Breaking News

Kể chuyện làng: Nhớ món cá kho làng cũ

Kể chuyện làng: Nhớ món cá kho làng cũ - Ảnh 1.

Cá kho. Ảnh: NVCC

Vốn sinh ra ở một làng chài nhỏ ở Phan Thiết  nên dù đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm hai mươi, nhưng hồi ức về quê hương vẫn luôn in đậm trong trái tim tôi. Khoảng gần mười năm nay, tôi ít khi về quê nhưng tình cảm với làng cũ vẫn được đắp bồi bởi ông bà, ba mẹ, người thân hai bên nội ngoại.

Tôi đặc biệt yêu thích những món ăn mang đậm hương vị miền Trung, đơn giản vì từ bé đến lớn, tôi ăn theo khẩu vị của gia đình.

Quê tôi có nhiều sản vật phong phú vì gần biển. Như món don rất nổi tiếng, món bánh căn, cơm gà, món ram tôm ăn với thịt nướng... nhưng tôi vẫn nhớ và thích nhất món cá kho. Tôi thấy cá kho kiểu miền Bắc cũng ngon. Tôi cũng yêu thích hương vị của cá kho tộ kiểu miền Nam. Nhưng trên hết, tôi vẫn nhớ món cá kho miền Trung đặc trưng của người làng tôi. Nồi cá kho kiểu miền Trung khó mà đẹp theo kiểu trình diễn, vì kho có nước, lại có thêm thơm, cà chua, măng, ớt nguyên trái. Màu cá kho thường không bắt mắt nhưng miếng nào cũng thấm, ăn cá hay những hương vị bỏ vào kho chung đều rất ngon.

Kể chuyện làng: Nhớ món cá kho làng cũ - Ảnh 2.

Cá kho miền Trung. Ảnh: NVCC

Tôi nhớ da diết nồi cá kho miền Trung còn vì nhiều lẽ nữa. Cũng bởi một phần nó gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ với gia đình, mà nhớ nhất là vì bà ngoại. Như bất kỳ người dân sống cạnh biển nào, bà tôi thường xuyên kho cá trong những bữa ăn thường ngày của gia đình. Tôi nhớ bà ngoại thường cắp một thúng con nhỏ, đi men theo những bãi cát trắng dài, xuống khu vực người trong làng đi chài lưới về, để mua những mẻ cá tươi trong, mang về chế biến. Tùy theo mùa cá biển, bà tôi chọn kho rất nhiều loại cá, trong đó, cá nục kho là phổ biến, vì hồi đó cá nục rẻ nhất, thứ đến là cá ngừ, cá chuồn, cá trích, cá bống, cá hố cá rựa... Loại nào bà ngoại tôi kho cũng đều ngon, đều rất "đưa cơm".

Những ngày mưa ở đô thị tấp nập, tôi nhớ da diết món cá chuồn muối chưng với hành khô, tiêu, ít mỡ, ăn cơm đến vét hết nồi mới thôi. Sau này, khi bà ngoại đã mất, hoài niệm món ăn cũ, tôi tìm mua cá chuồn muối, cá thu muối để chưng kiểu đó nhưng vị cá không còn như xưa nữa. Có lẽ do tôi không được thừa hưởng sự khéo tay, cần mẫn của bà. Và cũng có thể do nồi cá năm xưa tôi ăn không chỉ có cá, gia vị kho, mà còn chất chứa biết bao tình yêu thương và hi vọng của bà ngoại. Được nuôi lớn từ những nồi cá kho và những món ăn thời khốn khó của bà ngoại nên cái mùi cá kho thấm đẫm vào tôi. Những món ăn tuổi thơ đã đi vào tiềm thức và trở thành món ăn ngon nhất trong tâm thức của cá nhân tôi. Phải chăng, đây cũng là ký ức của những người yêu quê nhà và gắn bó với ẩm thực vùng đất mình được sinh ra và lớn lên?

Kể chuyện làng: Nhớ món cá kho làng cũ - Ảnh 3.

Cá kho ăn với cháo. Ảnh: NVCC

Và rồi cũng từ những nồi cá kho, từ những món ăn gây thương nhớ đó, tôi đã cố gắng nấu lại cho con tôi ăn, để góp phần trở thành những món ăn trong ký ức của chúng. Tôi nghĩ đó là sự kết nối tình cảm với quê hương mà các con tôi nên có và may mắn thay, bọn trẻ dẫu sinh trưởng tại thành thị nhưng đã học được cách yêu làng quê, gia đình qua những món ăn dân dã. Các con tôi nay đã trưởng thành và ra nước ngoài du học.

Nhưng mỗi khi có dịp liên lạc, các con vẫn thường nói với tôi: "Khi nào con về, mẹ kho cho con nồi cá kho nha mẹ, con nhớ nhất món đó". Hay có lần, con gái lớn nhắn tin cho tôi: "Mẹ cho con vài công thức nấu các món cá kho đi mẹ, để khi thèm, con tự kho cho mình". Rồi khi con gửi hình về cho tôi khoe món ăn con nấu, có những biến tấu như cho thêm tóp mỡ, thịt heo… tôi xúc động khi nhìn ra được những tiếp biến ẩm thực qua các thế hệ, vừa là gìn giữ những mạch nối thế hệ, lại cập nhật được những ảnh hưởng văn hóa từ nơi mà con tôi đang sinh sống. Xét cho cùng, tình yêu làng quê vốn là một sự kết thừa, phát huy và nối dài bản sắc văn hóa ở nhiều thế hệ con người trong gia đình.

Những người yêu thích ẩm thực trong thời đại hiện nay cũng bày biện lên mạng xã hội những món ăn quê hương, món ăn địa phương, chỉ vẽ cho nhau cách nấu. Món ăn làng quê, kỳ thực, như một sợi dây níu giữ văn hóa nguồn cội của những người xa xứ. Các bạn trẻ ngày nay cũng tìm đến những món ăn ngon mang hương vị thân thuộc với mình. Ngoài lý do khẩu vị đã có sẵn trong tiềm thức, tôi nghĩ món ăn quê còn là sợi dây nối kết các thế hệ đồng hương, kéo gần khoảng cách thời gian và không gian. Nhớ thương những món ăn quê hương, xét cho cùng, cũng là một loại hồi ức vô cùng đẹp đẽ. Sẽ càng đẹp hơn nếu ta biết nối dài truyền thống ẩm thực này đến những đời sau. Đây cũng là cách chúng ta trân trọng tình cảm gia đình, ghi nhớ cội nguồn, quê hương và bản quán.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Không có nhận xét nào