Breaking News

NSƯT Thành Hội hé lộ cách vượt khó nhờ "đường bay mới” cho sân khấu Hoàng Thái Thanh

NSƯT Thành Hội và "đường bay" mới cho sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh 1.

Một vở diễn của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: NVCC

Nhìn lại thời gian 12 năm làm nên thương hiệu sân khấu Hoàng Thái Thanh, chặng đường dài với anh chắc hẳn có nhiều kỉ niệm?

- 12 năm có hơn 1 triệu lượt khán giả đến xem với 10 vở diễn ghi dấu thành công như: Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về, Hãy khóc đi em, Bàn tay của trời, Sông dài... nhưng chúng tôi không chọn sự an toàn. Chúng tôi bứt phá đi lên mang đến những sáng tạo mới mẻ cho người xem, làm những điều khó hơn, sáng tạo và bay trên đường băng mới với các vở Nửa đời hương phấn, Bạch Hải Đường

Thâm tâm tôi mong muốn làm lại những vở cải lương kinh điển vào sân khấu kịch và cái khó là làm sao đưa những lời ca say đắm lòng người thành những câu thoại, hành động và thổi vào nó những suy nghĩ mới của hôm nay để vở diễn sống cùng thời gian mà vẫn được khán giả ủng hộ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành công trong việc đưa những tác phẩm văn học vào sân khấu kịch và tạo nên được những buổi diễn giao lưu dành cho sinh viên ngữ văn các trường đại học.

Và tôi nhận được những tâm sự rằng, chính nhờ thời gian học và xem kịch văn học như thế mà có em đã có một địa chỉ giải trí mới mà sau này tốt nghiệp đại học, đi làm có tiền, các em đã mua vé xem kịch dành tặng ông bà cha mẹ đi xem. Vì các vở diễn rất hay, đúng sở thích của gia đình. Những điều đó đã khích lệ tinh thần chúng tôi rất nhiều.

NSƯT Thành Hội và "đường bay" mới cho sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh 2.

NSƯT Thành Hội và diễn viên Đoàn Minh Tài. Ảnh: NVCC

Không thể phủ nhận sân khấu Hoàng Thái Thanh nói riêng cũng như sân khấu kịch nói chung đã và đang gặp những vấn đề cốt tử nhìn thấy được. Vậy vì sao anh không tránh được?

- Những vấn đề cốt tử chúng tôi gặp gồm: kịch bản, diễn viên, thu cân đối chi. Nói về vấn đề kịch bản, chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm không mệt mỏi với yêu cầu một kịch bản đầy tính nhân văn và kịch tính đồng thời qua đó ê-kíp được bay bổng trong tác phẩm. Mà vấn đề này vẫn tìm hoài bao năm nên sự lựa chọn các tác phẩm văn học để diễn ngoài bắt buộc còn là sở thích của chúng tôi.

Vấn đề thứ hai là sự thay đổi diễn viên, chúng tôi khẳng định, diễn viên không có lỗi khi chạy show công việc vì ai cũng cần mưu cầu cuộc sống. Ê-kíp xếp lịch diễn luôn trong tình trạng stress vì cứ xếp lịch rồi diễn viên báo bận show. Vì vậy, có vài vở mới chỉ diễn được vài xuất thì diễn viên bận. Cất vở cả 6-8 tháng mới lấy ra diễn thì khán giả thấy poster đã cũ nên không xem thế là vở diễn chết yểu một cách oan uổng.

Tôi nhớ ngày xưa, nghệ sĩ Ngọc Giàu khi kí hợp đồng diễn cho một gánh hát thì thù lao có thể mua được một căn nhà. Vì vậy sau khí kí hợp đồng cứ đến đúng ngày giờ là nghệ sĩ lên sân khấu hát thôi vì vậy cô không cần lo lắng việc chạy show khác. Còn bây giờ khi tình hình sân khấu giảm sút lượt xem thì tiền bán vé không thể đủ đảm bảo cho nghệ sĩ an tâm sống chết cùng một sân khấu.

Vấn đề thứ 3 đó là doanh thu để trả tiền thuê sân khấu. Kho bãi với số lượng 53 vở trong 12 năm là cả một khối lượng lớn cảnh trí đạo cụ được đầu tư. Dù chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của ban lãnh đạo về vấn đề kho bãi nhưng vấn đề ngày càng lớn dần nên cũng là một nỗi lo chưa xoay trở được. Chúng tôi có kinh nghiệm diễn kịch, kinh nghiệm đi lưu diễn nhưng có ai giải đáp được những đoàn cải lương, những đoàn hát bội lừng lẫy một thời nay đã phải đi về đâu không… và sân khấu cũng đang đi vào con đường không biết đi về đâu như thế.

NSƯT Thành Hội và "đường bay" mới cho sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh 3.

Một vở diễn của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: NVCC

Đó là tình hình khó khăn chung của sân khấu. Với "đường bay mới" cho cánh chuồn chuồn - biểu tượng của sân khấu Hoàng Thái Thanh, cái mới nào cũng có khó khăn, phải không anh?

- Tôi nhớ hoài thời gian đầu mở sân khấu, các suất diễn luôn đông kín khán giả thậm chí có người chấp nhận ngồi ghế súp để xem vở. Đó là điều hạnh phúc nhưng hôm nay không được như vậy nữa dù sự cống hiến cho vở diễn của chúng tôi cũng như thế. Các vở đã thưa dần khán giả. Mọi người đã thay đổi thói quen giải trí, có nhiều lựa chọn phương thức giải trí như xem YouTube không mất phí nữa… Vì vậy, sự thay đổi là điều tất yếu.

Tuy nhiên, thay đổi là điều đáng sợ vì thói quen là căn bệnh lớn nhất của loài người. Để một cái mới đón nhận đã khó và trong môi trường nghệ thuật càng khó hơn. Chúng tôi thay đổi chính mình, thay đổi cách vận hành, chúng tôi thay đổi phương thức mới gọi là mùa diễn. Điểm đặc biệt ở chương trình diễn theo mùa ở đây được hiểu là 1 vở diễn sẽ được diễn trong thời gian 4 tháng - 5 tháng sau đó vở diễn sẽ đóng lại, tiếp đến vở diễn thứ 2 sẽ được tiếp tục theo cách của vở diễn ban đầu. Như vậy, khán giả sẽ có nhiều cơ hội để sắp xếp tham dự vở diễn một cách thoải mái hơn. Tuy nhiên, điều này mới với chúng ta chứ không mới với thế giới.

NSƯT Thành Hội và "đường bay" mới cho sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh 4.

NSƯT Thành Hội trong một vở diên của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: NVCC

Vì sao sân khấu Hoàng Thái Thanh chọn thời gian giữa năm và Tết để ra vở mới thành mùa diễn của sân khấu mà không là thời gian nào khác?

- Chúng tôi liên tục diễn 10 vở nổi bật của sân khấu Hoàng Thái Thanh để khán giả xem trọn vẹn tập trung. Chúng tôi thường ra mắt kịch tâm lý xã hội sau đợt hè. Còn kịch Tết bắt buộc phải có 2 vở và diễn suốt đến tháng 5 mới có vở mới. Thường những vở giữa năm đề tài kịch tính nặng tâm lý, còn Tết thì tâm lý nhẹ hơn vui vẻ hơn.

Anh có kì vọng gì về thành công của hướng đi mới này?

- Hướng đi mới thành công hay không thì chúng tôi chưa biết. Cuộc phiêu lưu mới phải đi, nếu dừng lại cũng đóng cửa, phiêu lưu nếu thất bại cũng đóng cửa. Kiểu như nằm chờ chết hay là làm hiệp sĩ xông lên chiến đấu rồi chết thì chúng tôi chọn làm hiệp sĩ. Nhân viên xếp lịch bên tôi thường xuyên trầm cảm vì thay đổi lịch diễn liên tục. Chúng tôi lựa chọn diễn viên đồng hành diễn xuyên suốt 4 tháng rồi sau đó để diễn viên chạy show và cứ thế chúng tôi chủ động được lịch diễn liên tục 3-4 tháng.

Nhưng cát-xê cũng mới là phù hợp chứ chúng tôi chưa thể trả cho diễn viên cao hơn được nữa. Có thể nói nếu không làm suốt 12 năm các vở diễn tại Hoàng Thái Thanh thì tôi và Ái Như đã có thể dư dả mua 2 cái nhà và 2 cái xe hơi rồi. Những suất diễn rời rạc bây giờ gom lại diễn một lúc vì thế chất lượng vở diễn cũng nâng lên. Nếu cứ diễn rời rạc thì chất lượng vở diễn không thường xuyên được trau chuốt, còn catxe xứng đáng nhất chính là tình cảm ủng hộ khán giả dành cho chúng tôi.

Với hướng đi mới của những vở diễn tử tế, đầy xúc cảm được trình bày theo hình thức mùa diễn, tôi xin chúc cho những vở diễn sẽ lại đông kín người xem đúng với quan điểm: "Những giá trị không còn nhiều cơ hội chiêm ngưỡng sẽ giúp người ta trân quý!".

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!

Không có nhận xét nào