K-pop thế hệ thứ 4, trừ BTS, quá dễ để là đại sứ nhãn hàng?
BlackPink thuộc thế hệ K-pop thứ 3 (chỉ các nhóm ra mắt từ năm 2012 đến năm 2017), là nhóm nhạc có sự nghiệp thời trang "đồ sộ" hàng đầu K-pop, mỗi thành viên đều sở hữu những bản hợp đồng triệu USD với các thương hiệu lớn.
Dù vậy, họ không phải là "một bước lên mây". Lisa mất gần 2 năm quảng bá, tiếp xúc với Celine trước khi trở thành đại sứ toàn cầu đầu tiên của hãng. Jisoo và Rosé thử sức với nhiều thương hiệu trước khi gặp được "chân ái" là Dior và YSL.
Jennie phải cạnh tranh với nhiều nghệ sĩ Hàn khác khi tiếp xúc với Chanel, biến hóa đa dạng khi lên bìa tạp chí và trong các show trước khi được tuyên đại sứ trên mọi nền tảng.
Đại sứ thương hiệu - danh xưng không hề dễ dàng
Avery Booker, giám đốc điều hành Content Commerce Insider với hơn 10 năm kinh nghiệm dự báo thị trường xa xỉ toàn cầu và tiếp thị kỹ thuật số, cho rằng để trở thành đại sứ, các thần tượng K-pop không chỉ cần mặc đồ hiệu và đi thảm đỏ.
Họ phải là những người đa năng từ sáng tác nhạc, tham gia chương trình truyền hình, quay phim, giỏi vũ đạo và làm mẫu quảng cáo.
"Các ngôi sao K-pop là những nghệ sĩ toàn diện. Họ phải là "món ăn tinh thần" trong các chiến dịch tiếp thị, với khả năng tiếp cận đến tất cả các khán giả ở các quốc gia khác nhau trên nhiều nền tảng tiếp thị khác nhau" - Booker nói.
Sau khi tạm ngưng hoạt động nhóm năm 2022, nhóm nhạc toàn cầu BTS mới phát triển mảng thời trang cho từng thành viên.
Họ lần lượt trở thành đại sứ toàn cầu cho các thương hiệu nổi tiếng là Louis Vuitton, Valentino, Calvin Klein, Bottega Veneta…
Ca sĩ Somi từng thân thiết và chăm chỉ quảng bá cho các sản phẩm của Louis Vuitton trong nhiều năm. Nhưng sau đó cô chia tay thương hiệu khi chưa có bất kỳ danh hiệu nào.
Hiện tại, Somi là đại sứ Prada, khiến người hâm mộ vui mừng vì nỗ lực trong lĩnh vực thời trang của cô được đền đáp.
Còn các thành viên của Twice dù chăm đầu tư hình ảnh tại các show thời trang lớn nhưng vẫn chưa ai nhận được danh hiệu đại sứ toàn cầu của một thương hiệu danh giá.
Những cái tên lớn khác như EXO, NCT, GOT7 hay Red Velvet cũng tương tự. Điều này chứng minh danh xưng đại sứ toàn cầu không phải dễ dàng.
Thế hệ 4 có xứng danh đại sứ?
Trong giới hâm mộ, có ý kiến cho rằng một số thần tượng thuộc thế hệ 4 (ra mắt từ năm 2018) của K-pop được phong đại sứ toàn cầu, đại sứ thương hiệu của nhãn hàng lớn quá sớm, khi chưa thể hiện được tầm ảnh hưởng như thế hệ 3.
Bạn Lâm Cẩm Quyền (TP.HCM), một người hâm mộ K-pop lâu năm ở Việt Nam, nhận xét: "Ngày trước, nếu thần tượng trở thành đại sứ toàn cầu của một thương hiệu lớn thì fan sẽ rất vinh dự, tự hào. Còn giờ đây, tin tức dạng này lại gây tranh cãi vì nhiều người bị cho là chưa phù hợp".
Nhóm nhạc nữ aespa vừa ra mắt vài tháng đã trở thành đại sứ toàn cầu của một thương hiệu. Thông báo này gây khó hiểu vì từ trước đến nay aespa chưa có mối liên hệ nào với hãng.
Một trường hợp gây tranh cãi gần đây là các thành viên NewJeans lần lượt trở thành đại sứ của những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.
Trước đó, họ mới phát hành một số sản phẩm âm nhạc ăn khách chứ chưa gây ấn tượng bởi gu thời trang, chưa nhận được sự chú ý của giới mộ điệu thời trang, chưa một lần hợp tác với thương hiệu trước đó...
Thêm vào đó là sự xuất hiện không mang hiệu ứng như mong đợi của các thành viên NewJeans trong vai trò đại sứ tại nhiều sự kiện của các hãng.
Thành viên Minji bị nhận xét biểu cảm "quá teen".
Bài đăng tuyên đại sứ 3 mảng của một thương hiệu dành cho Haerin biến mất trong vài tiếng.
Lượng tương tác trên mạng xã hội của họ bị cho là yếu so với những khách mời khác.
Bên cạnh đó, Jang Won Young và một hãng trang sức hay ITZY và một hãng túi xách, giày dép cũng là những màn tuyên đại sứ gây bất ngờ.
Không có nhận xét nào