Tôn giáo trong âm nhạc: Một sân khấu mới
Âm nhạc tôn giáo (nhạc đạo) luôn có một chỗ đứng nhất định, song song với đời sống âm nhạc đại chúng, "thế tục" (secular) của rock rap, hay trữ tình.
Ở thời đại ngày nay, với sự lan tỏa của Internet, người nghe dễ dàng tìm thấy các sáng tác từ nhạc tụng Cao Đài Tiên Ông đến bài rap tuyên xưng đức tin vào Chúa hát tiếng Việt hay chú Đại Bi, Bát nhã tâm kinh dược rock hóa.
Giữa dịch, ở Việt Nam, chú Đại Bi từng được dàn nhạc Maius Philharmonic của nhạc trưởng Lưu Quang Minh thể hiện để hàn gắn nỗi đau của cộng đồng.
Trong tháng 5 này, thiền sư người Nhật Kanho Yakushiji có chuyến lưu diễn Happiness and Hope qua nhiều thành phố tại Trung Quốc, thu hút hàng chục nghìn người tham dự.
Dõi ra các quốc gia khác, và bên ngoài không gian hương khói của chùa chiền, thánh đường nhà thờ, sinh hoạt âm nhạc tôn giáo vẫn sống động theo cách riêng, ở cả những dòng nhạc ít ai ngờ tới nhất: trong những âm thanh chát chúa, thịnh nộ của... death metal.
Dharma - Phật giáo kết hợp death metal
Đầu những năm 2000, thành viên sáng lập Jack Tung, tay trống Đài Loan, được nghe một bản thu các vị lạt ma Tây Tạng xướng kinh.
Là tín đồ của "kim loại nặng" (heavy metal), bất giác anh thấy lối hát của họ có nhiều tương đồng với black metal - nhánh nhạc đang trong làn sóng phát triển thứ hai kể từ giữa thập niên 1990.
Các ý tưởng kết hợp kinh Phật vào nhạc nặng bắt đầu tuôn chảy từ đó: sở hữu một phòng thu và tập trống chuyên cho giới chơi nhạc nặng ở đây, anh muốn đưa khế kinh (sutra) và chân ngôn (mantra) vào âm thanh death metal mà anh hằng yêu thích, như nhóm Napalm Death.
Khi nhóm Dharma do Jack thành lập trình diễn trước công chúng, khán giả sẽ thấy một vị sư cô áo cam cùng chín ni sư giới thiệu ban nhạc, đọc kinh và rung chuông nghi thức, sau đó đồng thanh hát trên nền guitar, trống vang dội - và giọng gào rất lực của Joe Henley, giọng ca người Canada.
Các ni sư còn cấp nút bịt tai cho khán giả chưa quen với tiếng ồn. Vị áo cam là ni sư Diệu Bổn (Miao Ben), một thành viên của Dharma.
Album chính thức đầu tiên của Dharma là Chính Pháp Nhãn Tạng, và thứ hai là Nhất niệm Tam Thiên. Single đầu tay trong EP Bhaisajyaguru - Phật Dược Sư, ra đời cuối tháng 6-2021 giữa lúc đại dịch COVID-19 càn quét, theo nhóm, là cách để tuẫn trừ những đau thương đang diễn ra.
Những bài kinh, chú Phật giáo bằng nguyên ngữ tiếng Phạn cứ thế xuất hiện xuyên suốt trong tên các sáng tác của Dharma, trên tinh thần mang "Pháp" - tên nhóm - đến cho tất cả, mọi tín ngưỡng, màu da, thậm chí không theo tôn giáo nào cả.
Màn hình biểu diễn chạy những dòng kinh để khán giả tham dự hát theo. Sự giận dữ, hung hãn trong death metal, theo nhóm, như thể hiện tinh thần chở che của Phật, từ đó gợi ra một sự giải phóng về tinh thần nào đó nơi khán giả và thính giả.
Trang phục biểu diễn của Dharma cũng được chú trọng: áo tràng hải thanh, mùi gỗ đàn hương và máu giả mô phỏng các bức tượng hộ pháp trong đền chùa.
Jack tin rằng mỗi người nên trang bị một tín ngưỡng tôn giáo, vì mọi tôn giáo đều dựa trên sự bình yên, thuận hòa và khoan dung.
Theo Jack, dù death metal nguyên gốc chẳng liên quan gì tới Phật giáo, sáng tác nhạc nhằm mục đích hoằng pháp không lẽ gì lại bỏ qua nhóm người nghe nhạc nặng (giống anh).
Còn ni sư Diệu Bổn cho rằng lý do mình gia nhập Dharma, đó là bà cảm thấy metal sẽ mang đức tin tới người trẻ ở Đài Loan.
Theo sư cô Diệu Bổn, "Phật giáo không cố định trong hình tướng. Quan trọng hơn là có Phật trong tâm". Bà cho rằng Dharma cũng như một nghi thức thể hiện khế kinh, hay biểu diễn các bài kinh mà thôi.
Và những nhóm nhạc khắp 5 châu
Ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nhóm blackgaze Bliss Illusion đã ra một số đĩa đơn nhạc Phật giáo như Mutki - mục tì, sự giải thoát, Bát Nhã, và Sâm la vạn tượng - tứ trong Phật giáo dùng làm tên album đầu tay của nhóm.
Dùng biệt danh Dryad, thành viên đại diện Bliss Illusion chia sẻ: "Tôi tiếp xúc với Phật giáo hoàn toàn tự nhiên. Dù không phải tôn giáo cho tôi, nhưng lại là một triết lý rất gần sự vĩnh hằng với tôi".
Ở Nhật, thành viên Shinji Wajima của nhóm doom metal huyền thoại Ningen Isu từng theo học Phật giáo ở đại học, dẫn đến các ca khúc của nhóm luôn phảng phất hơi thở nhà Phật, như ca khúc Shitsuu-Busshou về niết bàn.
Ở Mỹ, Om (cách điệu chính thức là OM) là một ban nhạc stoner rock đến từ San Francisco, gồm ba thành viên tích hợp các cấu trúc âm nhạc nhiều tương đồng với lễ tụng Tây Tạng, Lưỡng Hà và Ethiopia vào sáng tác của mình.
Album 2007 Pilgrimage (Hành hương) của Om được tạp chí Mojo bầu chọn là album underground hay nhất trong năm.
Cũng ở Mỹ, Paul Masvidal của nhóm progressive metal Cynic là một người 20 năm tu tập Phật giáo Tây Tạng, sau khi bén duyên với Phật pháp ở quãng ngoài 20. Trong album Focus rất được giới mộ điệu kính nể từng xuất hiện ca khúc vay mượn khái niệm Veil of Maya - Huyễn cảnh.
Ở Prague, CH Czech, nhóm black metal Cult of Fire chơi không giống ai: cứ mỗi album sẽ "dựa" theo một tôn giáo, thay đổi từ logo tới hình ảnh, và đương nhiên chất liệu tôn giáo đậm nhạt gia giảm trong nhạc của mình, chẳng hạn album Nirvana (Niết bàn) đặt tên ca khúc là Buddha (Bụt) 1 tới 5, dựa theo Ngũ trí - Tathāgatas.
Đâu là phương tiện?
Trả lời trước câu hỏi về cách các nghệ sĩ phương Tây "vận dụng" Phật giáo, Jack chia sẻ: "Dù Đông hay Tây, có không ít tác phẩm âm nhạc và ban nhạc sử dụng chất liệu từ tôn giáo, đa số với mục đích ngợi tụng chư thần.
Ngày nay trên Internet có thể dễ dàng tìm thấy những bản nhạc chữa lành, nhạc chakra, thậm chí nhạc dance, nhưng rất khó thấy heavy metal, nhất là death metal sử dụng kinh điển gốc...
Khi sáng tác, chúng tôi chỉ muốn tạo ra một sản phẩm bản thân chúng tôi cảm thấy thích thú, và tất cả chúng tôi đều yêu thích death metal ngay từ đầu".
Ở góc độ khán giả mê rock, anh Phạm Huy (TP.HCM) chia sẻ: Cá nhân tôi vẫn e dè chọn nghe các nhóm nhạc rock hóa các bài kinh, metal hóa các bài kệ hay rap hóa các bài tụng.
Trong sự kết hợp giữa máu me chết chóc trên mặt với lời kinh được gào thét, tôn giáo hay âm nhạc là phương tiện? Bạn có tin vào việc dùng các thông điệp tôn giáo kết hợp với metal sẽ giúp truyền bá các tôn giáo này hiệu quả hơn?
Người viết cho rằng giao thoa chuyên biệt, hay dị biệt này cần nhiều quan sát và cũng tùy từng người, cả tín ngưỡng hiện hữu của họ.
Chẳng hạn như ở Đài Loan, Phật tử tìm kinh để lắng nghe tình cờ phát hiện ra Dharma theo cách khán giả ngoại đạo tìm tới Phật giáo sau từng lượt nghe hay buổi diễn. Người không theo tôn giáo có thể có một sự "khích lệ" nặng đô hơn. Âm nhạc chọn khán giả, kể cả âm nhạc tôn giáo.
Không chỉ có Phật giáo kết hợp metal, thế giới "nhạc đạo" đa diện hơn chúng ta hình dung khi tồn tại cả metal Cơ Đốc giáo lẫn thánh nhạc Nasheed Hồi giáo.
Cộng đồng tăng lữ Chính thống giáo Nga thành lập БАТЮШКА, hay Batyushka như hòng đạp đổ, thay thế nhóm nhạc black metal Ba Lan mang tên Batushka (Cha, hoặc Thầy trong thầy tu) - một nhóm metal xuất hiện từ năm 2015 và khuấy đảo giới underground bằng hình ảnh lẫn ca từ thoạt trông đậm đặc sự báng bổ.
Các thầy tu Nga, trái lại, muốn "mang lời của Chúa đến cộng đồng rock và metal, kiên quyết phản đối Satan giáo lẫn sự chế giễu cho tôn giáo chúng tôi" - chúng tôi không hề liên quan tới đám mạo nhân Ba Lan thờ quỷ Satan đến chữ Batushka viết còn không đúng mà lo đi báng bổ. Batushka Ba Lan vừa lưu diễn ở Thái Lan và Úc, và nhiều quốc gia khác trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào