Bàn tiệc của quỷ dữ - giải thiêng fine dining
Trailer phim trực tuyến Hunger - Video: Netflix
Một căn bếp với những phụ bếp luôn chân luôn tay, đồng hồ nhẹ nhàng đếm thời gian trôi, và rồi khi vị bếp trưởng bước vào, các nhân viên đứng nghiêm như chào cờ.
Sau đó bếp trưởng nhấc một con tôm hùm còn ngoe nguẩy, lạnh lùng thọc dao rồi thả vào nồi nước, và những thực khách của Hunger ngấu nghiến thịt tôm chấm đẫm nước xốt xám ngoét.
Cảnh đầu tiên của bộ phim Thái Lan - do Sitisiri Mongkolsiri đạo diễn - đã dựng lên một khung cảnh tựa nghi lễ của quỷ Satan, với bếp trưởng không giống một người nấu ăn mà giống một tay pháp sư yểm bùa hết thảy giới siêu giàu.
Giải thiêng fine dining
Làm sao giải thiêng cơn sốt fine dining (ẩm thực cao cấp) dường như đang trở thành "câu đố nhân sư" gây kích thích bậc nhất cho các anh tài điện ảnh đương đại.
Và Hunger có lẽ là một lời hồi đáp đáng kể của điện ảnh châu Á tới những Triangle of Sadness của Ruben Östlund hay The Menu của Mark Mylod vào năm ngoái, các tác phẩm đã dàn dựng nên những sân khấu bệnh hoạn đến bi thảm của fine dining.
Trong Hunger, nhân vật chính - đầu bếp Aoy (nữ diễn viên Chutimon Chuengcharoensukying đóng) đang chôn đời mình trong quán cơm chiên bình dân của gia đình.
Một ngày, cô nhận được lời mời đến thử việc với bếp trưởng Paul (Nopachai Chaiyanam đóng) lừng danh của nhà hàng Hunger. Khán giả - phần lớn cũng là thường dân như Aoy - được đồng nhất mình với cô. Ta cũng tò mò như cô khi lần đầu được bước vào căn bếp huyền thoại, và cũng sững sờ như cô khi huyền thoại bị phơi bày.
Căn bếp của Paul là một trại lính khắc nghiệt, tàn bạo tới đổ máu, mỗi cuộc nấu nướng là một cuộc huyết chiến, nơi đây không có chỗ cho ai yếu đuối và bất tuân.
Nấu nướng là nghệ thuật nằm giữa sự sống và cái chết, ta giết chết một thứ để nuôi sống một thứ khác. Nhưng ở đây ta chỉ thấy khía cạnh tàn sát, không có gì được nuôi dưỡng ngoại trừ sự suy đồi và dục vọng.
Mỗi bữa tiệc trong Hunger là một ẩn dụ cho một tội lỗi khác nhau. Bữa tiệc sinh nhật một vị tướng với những đĩa thịt tóe nước xốt đỏ lòm và những miếng thịt bò cháy xèo xèo ẩn dụ cho những kẻ ăn thịt đồng loại.
Bữa tiệc bên bể bơi cho đám con nhà giàu thác loạn có những khúc mực nhợt nhạt tựa bộ phận sinh dục chỏng chơ và đời sống vô vị của những kẻ sinh ra ở vạch đích.
Bữa tiệc cho những chóp bu doanh nghiệp có thứ nước xốt như bùn ẩn dụ cho đôi tay dính chàm và những con ốc bị chà nhẵn tượng trưng cho những kẻ bị chúng chà đạp lên.
Giống như nhân vật bếp trưởng Slowik trong The Menu, bếp trưởng Paul của Hunger khao khát trả thù những kẻ vận hành bộ máy xã hội và nghĩ rằng mình có thể vung tiền mua trái tim người đầu bếp, và nguyên liệu bí mật làm nên thành công của họ không phải tình yêu, mà là nỗi khinh bỉ.
Vì sao Paul trở thành đầu bếp? Ông bảo, vì một lọ trứng cá tầm có giá bằng hàng tháng lương giúp việc của mẹ ông. Nhưng không phải vì món ăn ấy ngon, mà vì nó dở. Đạo diễn đã khéo chọn chi tiết trứng cá tầm, xưa kia vốn chỉ là nguyên liệu rẻ tiền, nhưng về sau hóa thành biểu tượng tối cao của xa xỉ.
"Dù cô có nấu ngon thế nào, cô cũng không thể đánh bại một đức tin. Họ đã tin tưởng vào tôi", Paul nói với Aoy trong cuộc thi tài giữa hai người. Ông ta chứng minh điều đó hai lần trong phim, khi xen kẽ giữa sơn hào hải vị một thứ nước xúp loãng dùng gia vị rẻ tiền. Thực khách của ông húp lấy húp để như đó là nước thánh.
Fine dining hóa ra là vậy - thế giới ấy chẳng qua được tạo nên từ những truyền thuyết được thổi phồng, những bậc thầy thao túng tâm lý, cái chết của những sinh vật khốn khổ, và những khách hàng bị ếm bả hư danh.
Hunger - Bẫy của giấc mơ
Đối lập với những bữa tiệc ngoạn mục của giới siêu giàu trong Hunger là món ăn đường phố giản dị của gia đình Aoy. Khao khát trở thành một người đặc biệt, cô từ bỏ quầy hủ tiếu xập xệ của cha mình, mộng làm siêu đầu bếp như Paul. Nhưng cô sẽ sớm nhận ra muốn trở thành chúa tể thì phải trở nên hắc ám. Cô vỡ mộng lần một.
Trong cuộc đấu tay đôi giữa Paul và Aoy ở phần cuối Hunger, nếu như Paul xuất hiện với màn trình diễn như vũ điệu tử thần bên cái xác bò trong ánh sáng đỏ quạch tựa địa ngục, thì Aoy lại mỉm cười đứng bên một chảo hủ tiếu với kỷ niệm về người cha yêu dấu của mình.
Cô mang tất cả tình yêu trong tim đấu với lòng khinh rẻ con người của Paul.
Nhưng sau rốt, những vị thực khách cũng chẳng quan tâm tới thế. Họ ném cho cô lời khen, rồi trở lại cuộc hoan lạc. Cô vỡ mộng lần hai.
Hunger có kết cấu giống như… Ông lão đánh cá và con cá vàng, một kiểu tác phẩm với thông điệp "hãy cẩn thận với những gì mình ao ước".
Nhưng sau khi nếm trải mọi tà thuật của vinh quang, Aoy không còn than thở về những gì mình có, mà hạnh phúc vì những gì mình có.
Có lẽ cô đã hiểu ra, ăn không cần phải là một hành động khoa trương, ăn tốt nhất nên là một hành động nhỏ bé, nhưng - xin mượn lời Raymond Carver, nhà văn với một truyện ngắn kinh điển về sự chữa lành của thức ăn - đó là "một hành động nhỏ bé tốt lành"?
Không có nhận xét nào