Những lão niên mãi thanh xuân trong làng nhạc
1. Năm năm trước, huyền thoại Paul Simon tuyên bố chia tay những chuyến lưu diễn sau cái chết một người bạn thân. Ông kể lại rằng sau đó không bao lâu, ông nằm mơ thấy lời nhắn nhủ rằng ông phải viết một bài hát mang tên Seven Psalms (Bảy bài Thánh Vịnh).
Thời điểm đó, ông còn chưa biết Thánh Vịnh là gì và phải đi tra cứu lại Kinh Thánh. "Mặc khải" trong mơ ấy là khởi nguồn của một album hết sức lạ thường mà Paul Simon phát hành thời gian qua: Seven Psalms.
Lạ thường, bởi album chỉ có một ca khúc duy nhất - một ca khúc kéo dài tận 33 phút, với bảy phần như một tập thi thiên nho nhỏ. Paul Simon không chia bài hát ra bảy ca khúc riêng để khán giả dễ tiếp cận hơn.
Ở tuổi ngoài 80, ông có lẽ chẳng mưu cầu được thấu hiểu một cách dễ dàng nữa, ông làm thứ nhạc ông thích theo kiểu ông thích, ai muốn bước vào phải chấp nhận luật ông đã đặt ra.
Album mở đầu bằng tiếng chuông đưa ta về với thực tại, rồi với tiếng guitar acoustic cùng giọng ca như kẻ hành hương đang cầu nguyện một mình vào buổi tờ mờ sáng, Paul Simon hát về tình yêu, sự thứ tha, sự đối thoại với cơn phẫn nộ, về cuộc sống và cái chết, về đức tin vào đấng tối cao.
Ta không thể vờ hiểu hết những tầng sâu tâm linh trong âm nhạc của một nghệ sĩ vĩ đại đã trải qua mọi dâu bể cuộc đời, ta nghe ông như nghe một bậc guru giảng cho ta hay về kiếp người, và đôi khi ta sẽ nhặt nhạnh được những ý thơ thăm thẳm dẫn lối ta vào tỉnh thức.
Ông ví von tình yêu như bím tóc với những vỏ ốc và lược ngọc cài lên; ông tự hỏi nỗi đau có phải một bài ca tuyệt đẹp sống trong trái tim ta và hát cho ta về sự thứ tha; ông mường tượng về cái chết như đường mòn của những rặng núi lửa mà tất cả chúng ta - những kẻ tị nạn cuộc đời - đều phải đi qua;
ông nhìn thấy Chúa trong tất cả: từ hơi khói thuốc đến những loại vi rút, từ rừng cây đến biển cả, còn chúng ta chỉ là một trong hàng tỉ phép thử sai của vũ trụ này.
2. Khác với album của Paul Simon gồm các sáng tác hoàn toàn mới, Shadow Kingdom thực chất là tuyển tập một số ca khúc cũ được Bob Dylan ghi âm lại.
Shadow Kingdom bắt đầu với ca khúc When I Paint My Masterpiece, và nếu như trong bản gốc vào thập niên 1970, ông viết về một chàng trai trở về khách sạn để hẹn hò cùng một cô cháu gái của danh họa Botticelli và nàng hứa sẽ ở bên anh khi anh vẽ tranh, thì ở bản mới này nhân vật trữ tình cũng quay về khách sạn nhưng là để giặt quần áo, gột bỏ những vết dầu mỡ, khóa chặt cửa và quay lưng với thế giới trong khi vẽ nên bức tranh kiệt tác.
Chỉ một đổi thay nhỏ bé thế thôi nhưng lại nói lên sự khác biệt giữa một Bob Dylan độ tuổi 30 còn đầy khao khát được hiểu, được yêu, còn giờ khi đã qua tuổi 80, ông hoàn toàn hài lòng trong sự cô đơn của một người nghệ sĩ.
Dylan cũng thu âm lại nhiều sáng tác kinh điển về tình yêu của ông như I'll Be Your Baby Tonight, To Be Alone with You… nhưng đôi khi có một vài thay đổi.
Chẳng hạn, trong To Be Alone with You phát hành năm 1969, lời ca khúc bày tỏ mộng ước được ở bên người mình yêu, còn trong bản ghi âm lại này, Bob Dylan thêm vào lời thơ một tông màu đen tối nhất định, khi nhân vật chính tra hỏi người tình có nghĩ anh là kẻ sát nhân hay một tay phạm pháp, và rồi kết lại bằng lời biện bạch hài hước rằng nhưng "mắt anh vẫn xanh như thế".
Lời ca u ám hơn song giọng hát bình thản hơn, Bob Dylan dường như đang tự do vô kể trong sự biểu đạt mình. Cũng như Paul Simon, Dylan đã đến cảnh giới bất cần đến những lời nhận xét hay thị hiếu của người nghe.
Tuổi già khiến cho họ lại trở nên trẻ trung và phóng khoáng trong tâm hồn hơn bao giờ hết, và ta chỉ biết chúc cho họ những lời mà chính Bob Dylan đã viết ra trong ca khúc Forever Young, ca khúc cũng xuất hiện trong album mới lần này của ông: "Chúc cho trái tim người luôn vui. Chúc cho ca khúc của người luôn được hát. Chúc người mãi mãi thanh xuân".
Không có nhận xét nào