Ranh giới nghệ thuật và khiêu dâm trong phim ảnh nhìn từ The Idol
The Idol - Official Trailer - HBO
Phim The Idol của HBO đang được khán giả chú ý. Phim có nội dung mô tả những góc khuất trong đời sống của các ngôi sao Hollywood.
Tuy nhiên, phim vướng làn sóng chỉ trích từ khi chiếu tại Liên hoan phim Cannes đến khi chiếu trên truyền hình gần đây. Cụ thể, phim bị cho là khiêu dâm, thiếu tính nghệ thuật.
Nỗi thất vọng "The Idol"
The Hollywood Reporter mô tả The Idol giống Euphoria thứ 2, cho rằng đây là bước lùi của hãng HBO. Mở đầu tập phim đầu tiên là cảnh nữ chính được yêu cầu phải gợi dục hơn để chụp những bức ảnh tăng tương tác.
Sau đó, những cảnh hộp đêm xa hoa, tình dục xuất hiện với tần suất dày đặc, có phần thừa thãi. Cảnh nóng giữa Depp (Jocelyn) và Tesfaye (The Weeknd) diễn ra không đúng lúc, hạ thấp nữ chính Jocelyn và khiến người xem khó chịu.
Trong khi đó, tạp chí Rolling Stone cho rằng The Idol đã lợi dụng tên tuổi của Jennie (BlackPink) khi gắn cô với một bộ phim chỉ toàn những tệ nạn, bạo lực, đầy sự "hưởng lạc" vô nghĩa. Mới đây nhất, trong tập 3 của The Idol, Jennie - vai Dyanne - tiếp tục gây tranh cãi, bàn tán về độ táo bạo sau cảnh ghi hình MV World Class Sinner thay nữ chính Jocelyn.
Ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm trong phim ảnh vẫn gây nhiều tranh cãi và khó để phân định rạch ròi.
Tình dục là liều thuốc giảm đau
Tiến sĩ Trần Thành Nam (tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý - Đại học Vanderbilt, Mỹ, hiện công tác tại Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến với Tuổi Trẻ: "Thực ra, tâm lý của con người thường để ý đến những điều gì nằm ngoài tầm nhận thức của họ, những gì mang lại cho họ sự thoải mái và giúp họ thỏa mãn sự tò mò.
Với giới trẻ - đối tượng tiêu thụ đa dạng những sản phẩm văn hóa, họ thích xem những bộ phim có yếu tố khêu gợi một phần cũng để thỏa mãn nhu cầu khám phá về mặt giới tính.
Thứ hai, những yếu tố giúp con người thư giãn, giải trí thường liên quan đến bản năng, trong đó có tình dục.
Khi xem những bộ phim khai thác góc khuất trong đời sống con người, nhất là người nổi tiếng, khán giả có cảm giác thỏa mãn vì được trải nghiệm những điều họ không có trong cuộc đời thực".
Tiến sĩ Thành Nam phân tích thêm, con người đang sống trong nền văn hóa phô bày hết mọi thứ trên không gian mạng, với những áp lực và căng thẳng bủa vây, những chủ đề gợi dục có tác dụng giống như "thuốc giảm đau" giúp ta tạm thời quên đi những khó khăn, đau khổ hằng ngày.
Đâu là khiêu dâm, đâu là nghệ thuật?
Theo bộ đôi nhà nghiên cứu về tình dục Maggie Kirkman và Karalyn McDonald, phim khiêu dâm là những bộ phim mô tả quan hệ tình dục một cách rõ ràng với mục đích kích thích tình dục và tạo ra sự hài lòng về tình dục cho người xem.
Loại phim này thể hiện các ảo tưởng về tình dục và thường bao gồm các yếu tố kích thích tình dục như khỏa thân và hình ảnh chi tiết về quan hệ tình dục.
Về ranh giới giữa tính nghệ thuật và sự phản cảm, khiêu dâm trong phim ảnh, tiến sĩ Đào Lê Na (hiện là trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ với Tuổi Trẻ:
Ví dụ, nếu các cảnh trong The Idol khiến người xem không để ý đến tính khiêu dâm trong đó mà tập trung vào số phận nhân vật và các vấn đề khác thì đó không phải là phim khiêu dâm.
Còn nếu các cảnh đó hiện diện chỉ để nhằm "câu khách", không làm rõ thêm về tính cách nhân vật hoặc cốt truyện và nếu cắt bỏ cũng không vấn đề gì thì những cảnh đó là khiêu dâm.
Chị Đào Lê Na lấy thêm ví dụ từ bộ phim In the Realm of the Senses của đạo diễn Oshima Nagisa. Phim có những cảnh quay quan hệ tình dục rất rõ ràng, trực diện và những cảnh quay ấy khiến khán giả hiểu vấn đề mà bộ phim muốn truyền tải là dục vọng của con người.
"Việc phân biệt giữa khiêu dâm và nghệ thuật vẫn có rất nhiều tranh cãi vì ranh giới đôi khi khá mong manh. Tuy nhiên cần phải xem xét trên tổng thể bộ phim thì mới có những nhận xét thỏa đáng" - tiến sĩ Đào Lê Na đánh giá.
Nhà báo Thúy Nga (nhiều năm làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh, thuộc Viện Phim Việt Nam) nhận định: "Tôi nghĩ khán giả hiện nay không còn xem phim thụ động, chiếu gì coi đó, mà họ luôn có khả năng thẩm định của riêng mình.
Do đó, việc một bộ phim là khiêu dâm hay phim nghệ thuật, khán giả sẽ là những người có cách đánh giá thông minh và công bằng nhất".
Không có nhận xét nào