Rap yêu nước phải hiểu biết và ngôn từ tinh tế
Việc chọn chủ đề rap yêu nước cho thấy sự quan tâm và tình cảm dành cho quê hương, đất nước của thế hệ trẻ. Thế nhưng, đây là chủ đề đòi hỏi sự hiểu biết và ngôn từ tinh tế, nếu làm không khéo sẽ bị phản tác dụng.
Ý tưởng đẹp nhưng đừng thiếu hiểu biết
Phần thi của thí sinh Dubbie (về đội của huấn luyện viên Andree Right Hand) khiến tập 2 Rap Việt mùa 3 nhận làn sóng phản đối gay gắt. Thí sinh này trình diễn ca khúc Đóng băng trên nền nhạc gốc Mình cùng nhau đóng băng của Tiên Cookie.
Sự phẫn nộ của công chúng không chỉ đến từ những ca từ thiếu chuẩn mực như "Các em lại phát thêm rồ / Phải ngoan thì mới được phát thêm đồ". Từ áp lực của dư luận, ban tổ chức đã lẳng lặng cắt bỏ câu từ nhạy cảm trên các nền tảng mạng.
Tượng tự, tại cuộc thi rap Rap Kids 2020, trong phần thi Tự hào Việt Nam, một thí sinh đã có những câu rap: "Tinh thần dân tộc chưa bao giờ là bất diệt / Con người Việt Nam hiếu chiến vang danh mang đi khắp nơi".
Những câu rap nói trên không chỉ sai về mặt ngữ nghĩa mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết của một số người trẻ về lịch sử dân tộc.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, trước tiên là phải đề cao những ý tưởng về sự tôn vinh tinh thần và văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cũng cần lên án những sự thiếu kiến thức khi viết ra những câu chữ không đúng.
"Hiện tại rap đang là một bộ môn nghệ thuật được các bạn trẻ đón nhận, cho nên những bài rap có ý tưởng tốt cũng góp phần tạo nên một môi trường nghe tốt cho giới trẻ, qua đó có thể truyền bá nhiều nét văn hóa của dân tộc thông qua các bài rap", nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nói.
Anh Cường cũng cho rằng các bạn trẻ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chọn lọc câu chữ cho đúng để đưa vào những tác phẩm.
"Tôi tin nếu giữ được tinh thần tốt, câu chữ tốt, giữ được nét văn hóa, ý nghĩa chuẩn xác thì rap sẽ chiếm được tình cảm của mọi tầng lớp khán giả, chứ không chỉ là giới trẻ đâu", nhạc sĩ Hoa nở không màu nhận định.
Rap về lòng yêu nước cần thêm sự tinh tế
Bên cạnh Dubbie, phần rap Việt Nam kiêu hùng trên nền ca khúc Hào khí Việt Nam của thí sinh Cadmium cũng nhận về nhiều tranh cãi.
Chia sẻ tại cuộc thi, Cadmium cho biết vì yêu mến lịch sử nên muốn mang tinh thần tự hào dân tộc vào câu rap, kêu gọi mọi người cố gắng xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, vì chất giọng yếu, cách thể hiện mang tính hô hào nhưng chưa đủ sự tinh tế trong cách rap mà phần thi nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Nguyễn Quốc Tấn Trung - một khán giả nghe rap lâu năm, đồng thời là nghiên cứu sinh ngành luật - cho rằng rap về lòng yêu nước là con dao hai lưỡi. Một mặt có thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc của khán giả khi ngợi ca quê hương đất nước, nhưng mặt khác dễ gây phản cảm nếu làm không tới hoặc thiếu sự tinh tế trong cách biểu đạt.
"Cách thức biểu đạt của rap, ngoại trừ các vấn đề kỹ thuật, thường dựa vào cảm xúc và trải nghiệm cá nhân để đạt đến điểm chín của các tác phẩm. Theo tôi, sự chỉn chu, kỹ lưỡng, có định hướng trong câu từ của "nhạc đỏ" cần thời gian để dung hòa với "tính cách" của nhạc rap" - Tấn Trung chia sẻ.
Trước Rap Việt, nhiều nghệ sĩ khác đã đưa lòng yêu nước vào câu rap. Đơn cử có thể kể đến Đen Vâu với Đi trong mùa hè kết hợp cùng Trần Tiến.
Bên cạnh những lời khen về tinh thần tự hào dân tộc của bài hát, nhiều ý kiến cho rằng ngôn từ Đen Vâu sử dụng trong câu rap chưa được tinh tế.
Theo đó, câu rap "Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư / Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ một phần triệu biến anh thành người vũ phu (anh đùa đấy)" được cho là đang cổ vũ nạn bạo lực gia đình.
Ngay sau đó, Đen Vâu đã phải lên tiếng giải thích về việc này. Anh nói ý tưởng câu rap từ một câu chuyện vui của hàng xóm, người chồng sợ vợ chỉ dám mạnh miệng "tỉ lệ một phần triệu biến anh thành người vũ phu" chứ không hề có ý hô hào cho nạn bạo lực.
Nhìn chung, việc mang tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc vào câu hát là việc làm cần cổ vũ. Tuy nhiên, bản thân người sáng tạo cần sự hiểu biết về lịch sử, dân tộc để có thể truyền tải tinh thần này một cách đúng đắn.
Ngoài ra, cả trong cách rap và sắp đặt câu từ cũng cần sự tinh tế để không biến chất liệu dân tộc thành con dao hai lưỡi.
Không có nhận xét nào