Hoàng Quyên khi đã đủ thấu hiểu chính mình
Cô có một khởi điểm hoàn hảo, có giọng hát quý hiếm, có gu âm nhạc, nhưng với nhiều người, Hoàng Quyên vẫn là người sinh bất phùng thời, khi mà lứa khán giả đại chúng ngày nay đã bớt chuộng những giọng ca kiểu diva.
Nhưng chính việc chưa bao giờ quá nổi tiếng, chưa bao giờ là một cái tên của mọi nhà dường như cho phép Hoàng Quyên làm nhiều điều khác, không chịu áp lực của thời gian.
Trong nghệ thuật, 5 năm là một khoảng thời gian đủ dài để tạo nên rồi vùi lấp một gương mặt, nhưng phải 5 năm kể từ "Sóng hấp dẫn", Hoàng Quyên mới trở lại với một album mới phong cách pop pha jazz, rock, "A Diary of Melody".
Nhưng lần này, cô không chỉ xuất hiện như một ca sĩ, mà còn là một ca - nhạc sĩ.
Hoàng Quyên - The Square | Album: "A Diary of Melody"
Album mở ra bằng một đoạn thanh nhạc không có nhạc đệm của Hoàng Quyên ở ca khúc The Square. Cô chậm rãi hát: "Ngày mưa, trời buồn, quảng trường rộng lớn, em trên lối một mình", sau đó những hợp âm piano mới ngân lên.
Sự đơn lẻ trong lời ca và sự đơn lẻ của giọng hát a cappella mở ra một bầu không khí hoàn toàn của riêng Quyên, cô đơn và cũng rất tự do.
Từ đó với tiếng piano dẫn dắt qua gần như cả tám ca khúc, album như theo chân nhân vật trữ tình nữ trong thế giới nội tâm của cô, khi thì "đón cơn mưa rào", "ngước lên bầu trời chờ ánh trăng mềm" bên góc ban công (ca khúc The Balcony), khi thì "ít lời suy tư rồi nghĩ ngợi" (ca khúc She).
Nói tóm lại là một nhân vật nữ như các nhân vật buồn và đẹp trong các tiểu thuyết của Banana Yoshimoto vậy.
Hoàng Quyên - The Balcony | Album "A Diary of Melody"
Những sáng tác của Hoàng Quyên cũng có nét sang trọng như giọng hát của cô, những giai điệu chậm rãi và không vồ vập, ngay cả trong những ca khúc biểu lộ nỗi buồn khi đánh mất tình yêu như Xin cho hôm nay trôi đi cũng có vẻ từ tốn, tuyệt nhiên không phải nỗi đau mang tính trần tục.
Đôi khi sự thong dong trải đều khắp album khiến tác phẩm có vẻ thiếu một phút thăng hoa bùng nổ, nhưng có lẽ với một người luôn sống với tốc độ của riêng mình như Hoàng Quyên, cố gắng kịch tính hóa âm nhạc cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì.
Ở Việt Nam hiện nay, trong khi dòng nhạc độc lập có vô vàn các ca - nhạc sĩ thì mô hình này vẫn là một điều tương đối khan hiếm trong dòng nhạc chính thống. Gần đây, Lưu Hương Giang cũng cho ra mắt một EP do chính cô sáng tác toàn bộ,
Mất anh em tìm lại chính mình, một album acoustic được viết tựa như một nhật ký nỗi lòng buồn bã nhưng dịu dàng và đầy sự thứ tha. Cũng như Lưu Hương Giang vốn không phải là một nhạc sĩ bẩm sinh, Hoàng Quyên cũng bắt đầu sáng tác như một kiểu ghi chép về cuộc sống.
Album của Hoàng Quyên có sự tham gia sản xuất của Tim Vanderkuil, một nhà sản xuất ở Dublin và từng là giám đốc âm nhạc tour diễn vòng quanh thế giới cho album 25 của Adele, cũng như từng làm việc với Taylor Swift.
Nhưng khác với Adele và đặc biệt là Taylor Swift - những nhạc sĩ từ trong tâm thức, làm nhạc với những nữ nghệ sĩ Việt trên không phải là điều đương nhiên, mà là một lựa chọn.
Họ lựa chọn độc lập. Và sự độc lập của các ca sĩ nữ khỏi các nhạc sĩ nam (như Lưu Hương Giang tách khỏi Hồ Hoài Anh, Hoàng Quyên tách khỏi Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh) dường như cho thấy một mong muốn tất yếu của những người phụ nữ này: họ không muốn (và cũng không cần) ai phải nói thay cho họ nữa.
Họ đã đủ thấu hiểu chính mình, đủ tin để tự họa tấm chân dung, như Hoàng Quyên viết trong ca khúc Life: "Muốn một ngày em nhận ra, sống là thấu hiểu bản thân ta, bay lên cao trong bản tình ca".
Không có nhận xét nào