Breaking News

'Mạng xã hội cũng chỉ là những lát cắt về một con người thôi'

Nguyễn Lâm Thảo Tâm tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam hồi tháng 6 - Ảnh: Instagram nhân vật

Nguyễn Lâm Thảo Tâm tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam hồi tháng 6 - Ảnh: Instagram nhân vật

Với 19 năm học tiếng Anh, Thảo Tâm giỏi hùng biện, từng đại diện Việt Nam dự Diễn đàn lãnh đạo trẻ thế giới tại Brazil năm 2016 (khi 16 tuổi). 

Cô vừa tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam, đạt bằng Danh dự (Honor).

Tại đây, Thảo Tâm học ngành nghệ thuật và truyền thông, khoa học xã hội. Hiện cô là diễn viên, người mẫu, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Về diễn xuất, sau vai cô giáo Hồng trong phim Mắt biếc (2019), Thảo Tâm trở lại với điện ảnh với hai vai chính trong Fanti (vừa ra rạp) và Móng vuốt (sẽ ra mắt trong thời gian tới).

Thảo Tâm: "Cô giáo Hồng" là cái bóng quá lớn

* Thảo Tâm tham gia trào lưu flex một cách vui vẻ. Trào lưu này có điểm tích cực là tự tin công nhận thành tựu của bản thân. Nhưng một luồng dư luận khác cũng cho biết họ cảm thấy rất áp lực?

- Trào lưu flex mang lại một thông điệp: "Tôi rất tự hào vì đạt được những điều này, đây là những cột mốc ấn tượng trong cuộc đời tôi". Khiêm tốn là rất tốt, nhưng không công nhận bản thân là một chuyện khác. Khi mình đạt những điều tốt đẹp nhờ hao công tổn sức, mình phải vui chứ.

Bên cạnh đó, tôi và bạn bè cũng trải qua peer pressure (áp lực đồng trang lứa) khi thấy những thành công trên mạng xã hội: một chị có thân hình nóng bỏng, một anh mới ra trường đã được nhận vào công ty "big 4" (4 công ty lớn nhất thế giới trong một lĩnh vực nào đó - PV).

Trên Instagram, Thảo Tâm truyền cảm hứng về học tập và lối sống - Ảnh: NVCC

Trên Instagram, Thảo Tâm truyền cảm hứng về học tập và lối sống - Ảnh: NVCC

Nhưng mạng xã hội chỉ là lát cắt cuộc đời. Mình không bao giờ nhìn thấy những nỗ lực khủng khiếp của họ như tập thể dục, xây dựng profile đẹp để đạt được những "lát cắt" đó. Khi đó, mình dễ hiểu sai về tần suất thành công và tỏa sáng của người khác.

Mạng xã hội chỉ ghi lại những cột mốc lớn nhất, còn những vất vưởng hằng ngày họ chỉ giữ trong lòng. Hiểu như vậy, mình sẽ bình tâm hơn nhiều.

* Trong diễn xuất, áp lực đồng trang lứa của bạn đến từ đâu?

- 3 năm nay, tôi chưa có những sản phẩm tiếp theo trong diễn xuất. Việc học chiếm 4/5 quỹ thời gian nên tôi chỉ có thể tham gia những dự án ngắn hạn.

Khi thấy các diễn viên trẻ đồng trang lứa đã tham gia vào môi trường làm phim sống động, tôi cũng ham lắm. Thấy các bạn đậu vai này vai kia, tôi mong muốn lắm. Đôi khi, tôi có suy nghĩ thoáng qua như "Mình là một diễn viên dở phải không?". Nhưng rồi tôi đón nhận việc đó, vì không có thời gian đầu tư thì chưa thể có vai diễn được.

* Việc được gọi là "cô giáo Hồng" của Mắt biếc quá lâu có khiến bạn áp lực?

- Đối với tôi, đó là một niềm vui. Có những diễn viên được gọi bằng một cái tên thân thương suốt một khoảng thời gian dài, đó cũng có thể là một cái dớp nhè nhẹ của sự nghiệp, một cái bóng rất lớn. Nhưng điều đó cũng cho thấy họ đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. 

Thảo Tâm trong vai cô giáo Hồng, người thầm yêu Ngạn trong Mắt biếc - Ảnh: ĐPCC

Thảo Tâm trong vai cô giáo Hồng, người thầm yêu Ngạn trong Mắt biếc - Ảnh: ĐPCC

Cô đơn không phải chuyện riêng của gen Z

* Mạng xã hội là nơi người ta dễ nảy sinh so sánh thua kém. Nhân vật hot girl Ánh Dương trong Fanti có 80.000 người theo dõi. Ngoài đời, nhiều người trẻ có lượng theo dõi lớn hơn nhiều, Instagram của Thảo Tâm có 330.000 người theo dõi. Việc "định giá" bản thân bởi những con số có tác động gì?

- Nếu chúng ta chuyển số lượng follower đó thành gắn kết đời thực thì sẽ rất khập khiễng, vì đâu phải ai biết nhau trên mạng cũng biết nhau ngoài đời. Một lần nữa, mạng xã hội cũng chỉ là những lát cắt về một con người. 

Dù tôi chia sẻ nhiều đến mấy trên Instagram story thì chừng đó chữ không phản ánh toàn bộ suy nghĩ của tôi, không truyền tải được ánh mắt của tôi.

Thảo Tâm vào vai hotgirl mạng, diễn viên trong phim Fanti - Ảnh: ĐPCC

Thảo Tâm vào vai hotgirl mạng, diễn viên trong phim Fanti - Ảnh: ĐPCC

Ngày nay, người trẻ đang đi tìm những giá trị thật trên không gian ảo. Họ tìm những người có cùng tần số năng lượng, chứ không nhất thiết là cạnh tranh để nổi tiếng hơn người kia.

* Có mạng lưới quen biết rộng, những người nổi tiếng trên mạng có lúc nào cảm thấy cô đơn, trong hàng nghìn người theo dõi không có ai đủ thân để tâm sự?

- Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở chữ "thân". Không nhất thiết tất cả bạn bè đều phải thân. Nó sẽ trở thành gánh nặng cho cả hai. 

Mỗi mối quan hệ đều có vị trí khác nhau trong lòng mình: bạn bè đồng nghiệp, bạn bè thân thiết, những người bạn xem nhau như anh chị em nhưng lại không thường xuyên gặp nhau. Mỗi mối quan hệ đều đáng quý.

Khi người trẻ lớn lên, họ có những nỗi đau của tuổi mới lớn. Ai cũng có một khoảng thời gian rất cô đơn và khó gắn kết với người khác. 

Điều đó không phải của riêng thế hệ Z, mà là của con người nói chung. 

Mẹ tôi hay những người lớn tuổi cũng chia sẻ rằng họ cô đơn khi học đại học, bước vào môi trường hoàn toàn khác trước đây.

Sự cô đơn của tuổi mới lớn là tất yếu, và khá đẹp. Nó giúp mình khẳng định mình, biết được hệ giá trị của mình.

Không có nhận xét nào