Oppenheimer và dòng phim quan trọng bậc nhất thế kỷ
Paul Schrader - biên kịch hàng đầu, cộng sự của đạo diễn vĩ đại Martin Scorsese - tấm tắc khen tác phẩm của Christopher Nolan.
Dù còn rất lâu nữa mới tới lễ trao giải Oscar 2024, người ta đã nói nhiều về Oppenheimer - phim điện ảnh tiểu sử về cha đẻ của bom nguyên tử - như một ứng viên nặng ký.
Thời hoàng kim của phim tiểu sử
Một thống kê cho biết đã có hơn 300 đề cử về diễn xuất tại Oscar được dành cho các màn trình diễn về các nhân vật có thật.
Riêng trong thế kỷ 21, có thể kể tên một loạt vai diễn nhân vật lịch sử được Oscar vinh danh, về phía nam có Winston Churchill, Freddie Mercury, Stephen Hawking, Abraham Lincoln, Ray Charles, Truman Capote, Vua George VI...; về phía nữ có Judy Garland, Margaret Thatcher, Virginia Woolf, Nữ hoàng Elizabeth II, Édith Piaf, Erin Brockovich...
Mọi lĩnh vực, nghề nghiệp đều được Hollywood sục sạo: chính trị, nghệ thuật, văn chương, khoa học, thể thao hay hoạt động xã hội. Những nhân vật đứng sau hào quang cũng được tái hiện, như vai người cha của chị em siêu sao quần vợt nhà Williams giúp Will Smith đoạt Oscar.
Không chỉ các nhà phê bình mà khán giả cũng bị mê hoặc bởi phim tiểu sử. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng có một tác phẩm thuộc thể loại này thắng lớn ở phòng vé: Elvis thu 300 triệu USD, Bohemian Rhapsody gần 1 tỉ USD, Oppenheimer đang ở mốc 600 triệu USD.
Trong năm nay, vẫn còn vài phim tiểu sử đáng chú ý nữa, nổi bật nhất là Napoleon của đạo diễn gạo cội Ridley Scott và nam chính Joaquin Phoenix.
Quá khứ chưa bao giờ sống động đến thế
Vì sao phim tiểu sử được ưa chuộng? Với nhiều khán giả đại chúng, xem phim tiểu sử là con đường ngắn nhất và hấp dẫn nhất để gợi hứng thú về quá khứ và lịch sử. Đọc sách tốn nhiều công sức, còn xem phim cho phép họ nắm được gạch đầu dòng cơ bản, và phim thường lôi cuốn và sinh động hơn.
Khán giả xem Oppenheimer có tạm hiểu được bối cảnh những năm cuối Thế chiến 2, sự ra đời dự án Manhattan hay chủ nghĩa McCarthy cực đoan tại nước Mỹ thập niên 1950.
Một khán giả xem Darkest Hour có thể thu nhặt cái nhìn cơ bản về một đoạn đời của thủ tướng Anh Winston Churchill trong những năm đầu Thế chiến 2, sự giằng xé của ông trước việc chống lại hay thỏa hiệp với Hitler để cứu nước Anh.
Thực chất, nhiều tác phẩm tiểu sử cũng có tính giải trí rất cao khi kể chuyện theo mô típ hành trình của người hùng, một mô típ kinh điển mà các tác phẩm giả tưởng, siêu anh hùng cũng thường áp dụng.
Chẳng hạn, nhà bác học Stephen Hawking trong The Theory of Everything hay nhà toán học Alan Turing trong The Imitation Game đều là những chàng trai trẻ với năng lực đặc biệt đi theo tiếng gọi của số phận, vượt qua nhiều gian khổ và đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực. Một đoạn tóm tắt như vậy cũng có thể dùng để mô tả Người Nhện, Người Sắt hay Captain America.
Tuy nhiên, những "siêu anh hùng" trong phim tiểu sử là có thật chứ không chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Việc này đem đến một sức hấp dẫn hoàn toàn khác. Con người từ xa xưa luôn thích kể cho nhau nghe những chuyện mà họ tin chắc đã thực sự xảy ra. Cụm từ "dựa trên một câu chuyện có thật" là tựa đề đầy sức mạnh, ở bất cứ thời nào.
Nhưng không phải lịch sử
Một trong những cảnh đáng nhớ của Oppenheimer là khi nhà vật lý Oppenheimer tìm đến Albert Einstein để hỏi ý kiến về khả năng bom nguyên tử sẽ hủy diệt toàn cầu. Einstein xuất hiện tựa một "đại cao thủ" đã "quy ẩn giang hồ", thông thái, dí dỏm và bí ẩn. Chỉ có điều, cảnh phim này hoàn toàn hư cấu.
Trên thực tế, Oppenheimer đã xin ý kiến của Arthur Compton, một nhà vật lý lỗi lạc khác, tất nhiên chưa bao giờ đạt đến vị trí biểu tượng như Einstein.
Phim tiểu sử trang bị cho khán giả đại chúng nhiều kiến thức về lịch sử, nhưng xét cho cùng phim tiểu sử không phải lịch sử. Một phân cảnh rất cảm động trong Darkest Hour - khi Winston Churchill lên một chuyến tàu ở London để hỏi ý kiến người dân mong muốn của họ trong vấn đề nhượng bộ hay không với Đức Quốc xã - cũng không có thật.
Cả chuyện Freddie Mercury bước lên sân khấu Live Aid cùng Queen khi biết mình đã mắc HIV cũng không chuẩn xác. Những chi tiết như vậy được sáng tạo nên nhằm kịch tính hóa câu chuyện.
Tranh cãi - chuyện khó tránh
Sai lệch với thực tế luôn là nguyên nhân gây tranh cãi với dòng phim tiểu sử. Ở Việt Nam, từng có cuộc tranh luận dài về Em và Trịnh, phim tiểu sử về nhạc sĩ huyền thoại Trịnh Công Sơn. Ngay cả phim tiểu sử nước ngoài được đầu tư gấp nhiều lần cũng không tránh khỏi những tình tiết hư cấu.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, phim tiểu sử đã khơi gợi để khán giả tìm hiểu nghiêm túc về một lĩnh vực nào đó. Nhiều bạn trẻ sau khi xem Oppenheimer đã tìm đọc về vật lý lượng tử, một trong những môn học trừu tượng nhất. Hay nửa tiếng cuối cùng của Bohemian Rhapsody đã khiến nhiều khán giả tìm nghe rock thập niên 1970 và thần tượng Freddie Mercury.
Phim tiểu sử như tấm thảm bay, đôi khi bay hơi lạng lách, nhưng chắc chắn có thể mở ra một thế giới hoàn toàn mới.
Không có nhận xét nào