Phim 'bi kịch gia đình' lấn át, coi xong hết muốn cưới nhau?
Cánh lục bình trôi
Ban đầu phim Gia đình mình vui bất thình lình có nhiều tình tiết vui nhộn, hài hước đúng chất giải trí.
Thế nhưng càng xem càng thấy bi kịch. Đến tập 45, hai nàng dâu khổ nhất trong phim là Trâm Anh và Phương. Trước đó, phim truyền hình Việt cũng tràn ngập những bi kịch hôn nhân như Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Hoa hồng trên ngực trái...
Trên YouTube, talkshow Người thứ 3 với những câu chuyện xoay quanh nhân vật "con giáp" thứ 13 phá hoại hạnh phúc gia đình đã có hai năm với hơn 100 số phát, Người thứ 3 giống như nơi để phụ nữ trút hết được nỗi lòng.
Xem chương trình này, có người nhận xét: "Thân phận đàn bà chả khác nào cánh lục bình trôi giữa sông.
Chuyện chưa kể cũng trên YouTube kể những khó khăn trong hôn nhân gia đình do khách mời chia sẻ cùng chuyên gia tư vấn. Rồi talkshow Điều con muốn nói với những câu chuyện mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái...
Liệu có để lại hậu quả?
Những bộ phim, chương trình trên có thể giúp người xem tìm hiểu để có nhận định sáng suốt hơn khi quyết định kết hôn, sinh con.
Nhưng liệu có khiến họ cảm thấy sự ảm đạm của hôn nhân? Như có người đã viết: "Chương trình rất nhân văn, giúp phụ nữ tụi em được sáng mắt ra rất nhiều", hoặc: "Chúng ta mất niềm tin vào phần lớn đàn ông Việt Nam. Quá mệt mỏi. Để cho những gã đàn ông như thế này ế vợ luôn cho rồi, đừng làm khổ cuộc đời của người khác nữa".
"Theo tôi, việc khai thác những bi kịch gia đình, xã hội không phải là xấu, nhưng phải có những chương trình, bộ phim tươi sáng để cân bằng. Khán giả xem còn có động lực cố gắng vượt qua khó khăn để được hạnh phúc. Thể loại này hiện còn ít" - chị An, nhà ở Tân Phú (TP.HCM), cho biết.
"Tôi thấy phim truyền hình đang chỉ tập trung ba thể loại: ngoại tình, hoắc hóa (từ tốt thành xấu), mẹ chồng nàng dâu.
Nội dung kiểu này như mưa dầm thấm dần có thể tạo ra tâm lý sợ hãi, lo lắng cho cuộc sống" - anh Thanh Phú, từng làm trong lĩnh vực truyền thông, cho biết.
Cùng nhận định, biên kịch Đặng Thanh cho rằng: "Chủ đề hôn nhân, cuộc chiến giành con, giành gia sản hay chuyện mẹ đơn thân khó khăn thì quá nhiều trên màn ảnh nhỏ.
Vì vậy cần những tư tưởng tích cực, truyền đi thông điệp sống vui, hạnh phúc, dù có gian khó cũng nên phấn đấu trái ngọt".
Chị Mai Lan, 30 tuổi, sống độc thân, cho rằng: "Theo tôi, chưa thể khẳng định giới trẻ cảnh giác hay mất niềm tin, không hứng thú với việc kết hôn là do xem phim trên YouTube.
Còn nhiều thứ khác ảnh hưởng đến quyết định của họ như áp lực tài chính, không muốn ràng buộc... Nhưng đúng là phim cũng ảnh hưởng tâm lý và cái nhìn của người trẻ. Việc các loại hình giải trí tập trung khai thác dạng tiêu cực quá nhiều khiến tôi ngán ngẩm hơn".
Hàn Quốc cũng không ngoại lệ
Mới đây, tờ Korea Times nhận định người ta lo ngại những chương trình thực tế ảm đạm đang gửi thông điệp rằng hôn nhân và có thai là một ý tưởng tồi.
Ví dụ như My Golden Kids của Channel A huấn luyện các bậc cha mẹ về dạy dỗ những đứa trẻ ngỗ nghịch.
Mặc dù việc tư vấn giúp điều chỉnh hành vi, nhưng một số người xem cho biết họ cảm thấy lo lắng và bối rối trước những gì họ đã thấy trên màn ảnh. Hoặc Oh Eun-young Report: Marriage from Hell của Đài MBC theo dõi cuộc sống hằng ngày của các cặp vợ chồng có cuộc hôn nhân gặp trở ngại, các cảnh khó chịu khi họ giao tiếp với nhau.
Ngay cả những chương trình không nói về hôn nhân tan vỡ thì xung đột vẫn là chủ đề luôn hiện hữu. Mr. House Husband của Đài KBS2 với những người đàn ông phụ trách việc nhà và chăm sóc con cái đang thể hiện nhiều tranh cãi rất gay gắt giữa các cặp vợ chồng.
We Got Divorced và Our Kid Has Changed, Returns thì lặp lại format cũ về những cuộc hôn nhân tan vỡ.
Kim Sung Hee, giảng viên ĐH Yonsei, nhận xét: "Khi người xem thấy những tương tác gia đình tích cực trên màn ảnh, họ có xu hướng nảy sinh mong muốn kết hôn và ngược lại. Nên việc phơi bày phần tồi tệ nhất của hôn nhân nên ít đi. Thay vào đó, hãy có nhiều chương trình tích cực của việc lập gia đình".
Không có nhận xét nào