Nhà soạn nhạc Úc Steve Barry chơi dân ca Thái ‘Inh lả ơi’ theo phong cách jazz
Dân ca Thái "Inh lả ơi" qua sự thể hiện của TS Steve Barry và các nghệ sĩ Úc - Video: Đ.D.
Tiến sĩ Steve Barry đến Việt Nam chơi trong sự kiện Jazz & Friends (lần thứ 5), nhân lễ kỷ niệm 10 năm thành lập khoa nhạc jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, diễn ra tối 7-10 tại Hà Nội.
Jazz & Friends là lời tri ân với thế hệ đầu tiên, những nhà giáo, giảng viên trong đào tạo, nghiên cứu của ngành nhạc jazz Việt Nam.
Chương trình cũng giới thiệu tới công chúng thế hệ nghệ sĩ nhạc jazz trẻ và sự hội nhập jazz Việt Nam với thế giới.
Inh lả ơi đậm chất jazz
Tiến sĩ Steve Barry - "một trong những nhà soạn nhạc, nghệ sĩ ứng tác thành công và sáng tạo nhất nước Úc" - đã mang ban nhạc Steve Barry đến Việt Nam góp mặt trong sự kiện Jazz & Friends.
Ban nhạc đã chơi Inh lả ơi - bài dân ca nổi tiếng của người Thái vừa lạ vừa quen - qua phần chuyển soạn của nghệ sĩ Trần Lưu Hoàng và thể hiện của những nghệ sĩ tài năng nước Úc.
Đây cũng là một nét đặc biệt của Jazz & Friends (lần thứ 5).
Các nghệ sĩ Việt Nam sẽ chơi những tác phẩm quốc tế; các nghệ sĩ quốc tế sẽ thể hiện những tác phẩm của Việt Nam.
Ngoài tiến sĩ Steve Barry, Jazz & Friends còn có sự tham gia của các nghệ sĩ jazz quốc tế và Việt Nam như giáo sư Hakan Rydin (Thụy Điển), Damon Poppleton, Bernice Tesara, Cailey Soon, George Greenhill (đến từ Úc).
Họ là những người bạn của khoa jazz (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Phía Việt Nam có sự tham gia của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Lương Xuân Thịnh, Hoàng Xuân Tùng, Nguyễn Tiến Mạnh, Hoàng Hải Bằng, Nguyễn Minh Đức... cùng các nghệ sĩ, giảng viên, cựu sinh viên, những người bạn của khoa jazz. Chương trình có hai khách mời đặc biệt là nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Nam và Đào Kiên.
Ngoài Inh lả ơi, trong chương trình còn có một số tác phẩm jazz khác như: Nostalgia, Moonlight in Vermont, Breezin, Feels Like Home… Đây là những tác phẩm đã được sử dụng trong các cấp đào tạo, được công chúng trong nước và quốc tế đón nhận nhiều năm qua.
Tôn vinh những người thầy lớn của jazz Việt
Jazz & Friends phát lại một số video tư liệu cho thấy chặng đường phát triển của jazz Việt.
Chương trình tôn vinh nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh - nghệ sĩ đặt nền móng cho công tác biểu diễn chuyên nghiệp saxophone, nhạc jazz tại Việt Nam.
Quyền Văn Minh tiếp xúc với âm nhạc từ năm 13 tuổi với cây đàn guitar. Sau đó, ông lại gắn bó với saxophone. Ông đến với nhạc jazz nhờ chiếc đài radio trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, từ đó jazz trở thành niềm đam mê bất tận của ông.
Cùng chiếc saxophone, ông tự mày mò, nghe băng và tìm hiểu, tự chơi jazz. Ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ năm 1989.
Ông là thầy của các nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, Bảo Đông, Hồng Kiên, Duy Mạnh...
Ngoài nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh, chương trình cũng tôn vinh phó giáo sư - tiến sĩ - nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh cũng như nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tùng, những người thầy lớn, đóng góp miệt mài cho sự phát triển của jazz tại Việt Nam.
Đặc biệt là Hakan Rydin - nghệ sĩ piano jazz duy nhất đến nay được phong danh hiệu giáo sư vào năm 2013 - đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhạc jazz tại Việt Nam suốt những năm gần đây.
Ông là người thầy trực tiếp giảng dạy một số nghệ sĩ jazz nổi tiếng Việt Nam trong quá trình học tập tại Học viện Âm nhạc Malmö, Thụy Điển như Phạm Tuấn Hùng, Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Tuấn Nam, Lê Bằng….
Không có nhận xét nào