Bộ VHTTDL: Sáp nhập xã, phường cần giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tôn trọng nguyện vọng của người dân
Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ, trong giai đoạn từ năm 2023-2025, cả nước sẽ có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Điều này kéo theo việc nhiều địa danh xưa cũ biến mất, những địa danh mới sẽ ra đời, có sự khác biệt về cả quy mô và tên gọi.
Câu chuyện về tên xã, phường nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây, khi một số xã phường gắn với lịch sử, văn hoá lâu đời bị xoá sổ. Việc tìm ra một cái tên mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Hoàng - người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cho hay:
Sáp nhập xã, phường là vấn đề đang được dư luận vô cùng quan tâm khi đề án này kéo theo hàng loạt thay đổi về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội. Trong đó, câu chuyện đặt tên cho đơn vị hành chính mới gây ra không ít tranh luận khi có những địa phương dự kiến đổi hoặc xóa sổ hoàn toàn tên đơn vị hành chính vốn là các địa danh có lịch sử lâu đời, gắn liền với một vùng đất, một số cái tên mới bị ghép lại một cách hoàn toàn vô nghĩa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Bộ VHTTDL: Chủ trương sáp nhập các xã, làng, thôn, bản là chính sách lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu cao nhất là xây dựng một hệ thống chính quyền các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực sự là chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đồng thời, tạo nên diện mạo và không gian phát triển mới cho mỗi địa phương và cho đất nước.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, trong quá trình góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy trình về sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, Bộ VHTTDL đã có ý kiến rất cụ thể về vấn đề này báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Cụ thể, tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Khoản 4 Điều 2 quy định: "Chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội".
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước đã công bố Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để lấy ý kiến nhân dân. Những thay đổi về mặt thủ tục hành chính, đổi tên làng, tên xã đã được đưa ra bàn bạc nhiều ngày qua, đã và đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của các tầng lớp Nhân dân, nhất là các nhà khoa học, nhà báo và các nhà quản lý.
Về góc độ văn hóa, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng những quyết sách của cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương trên cơ sở nguyện vọng của Nhân dân. Do quy luật của sự phát triển, khi cái mới xuất hiện, cái cũ sẽ dần mất đi, nhưng không thể mất đi vĩnh viễn mà dần dần thẩm thấu, tích hợp giữa các giá trị, phát triển và tạo nên những giá trị văn hóa mới. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận, bỏ qua một cách cơ học, nhất là những tên làng, tên xã đã gắn sâu vào từng nét sinh hoạt của người dân, trở thành niềm tự hào, hội tụ của tinh thần đoàn kết, yêu nước, yêu làng.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết: "Họ truyền giọng điệu cho con tập nói, Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân". Tên làng, xã thường gắn với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, bản sắc địa phương, ký ức cộng đồng. Nhiều tên làng còn ẩn chứa những trầm tích văn hóa, hồn cốt quê hương, gắn bó máu thịt với quá trình hình thành và phát triển của làng, với cuộc đời của mỗi người, lưu giữ ký ức, kỷ niệm, tình cảm, trải nghiệm của họ. Tên làng, tên xã mà ông cha ta đã kiến tạo, đặt tên từ thủa mở đất, dựng làng - danh xưng ấy chính là văn hóa, là truyền thống lịch sử. Chính vì vậy, tên làng, xã không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, nó còn là một phần ký ức xứ sở được cô đọng qua một giai đoạn lịch sử.
Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề mà các địa phương cần phải có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ trước khi quyết sách để vừa phù hợp với các quy định của pháp luật, vừa giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của đa số cử tri và người dân.
Theo bộ VHTTDL, những yếu tố văn hóa nào cần đưa ra cân nhắc khi thiết lập tên gọi cho đơn vị hành chính mới?
Bộ VHTTDL: Điều 6, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định về đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp: "Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp".
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, tên đất, tên làng được kết tinh rất nhiều những giá trị đặc biệt nhau (từ ca dao, tục ngữ, lễ hội, phong tục, tập quán, phản ánh nghề nghiệp, đặc điểm địa hình, điều kiện địa lý tự nhiên, phương thức khai hoang lập làng, truyền thống hiếu học…).
Có thể thấy, yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng nên khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính chúng ta cần cân nhắc các vấn đề vừa nêu, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.
Bên cạnh tên gọi, không ít người dân lo ngại về sự biến mất theo thời gian của những di sản phi vật thể như làng nghề truyền thống (do tên xã không còn), các danh hiệu phong tặng cho di tích (do chuyển thành tên xã mới), các lễ hội (do 2,3 xã sáp nhập không còn sự đặc trưng). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ VHTTDL: Ngày 21/7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2959/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện việc rà soát các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp có di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hoặc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước (nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; bảo vệ di tích; kiện toàn bộ máy quản lý di tích; quản lý hồ sơ di tích…).
Hiện nay, việc quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ. Theo đó, Nghị định đưa ra các quy định nhằm đảm bảo mỗi lễ hội được tổ chức đều giữ được bản chất, các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, ý nghĩa lịch sử đặc trưng.
Về quan điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương cần cân nhắc việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo giữ gìn được các yếu tố liên quan đến di sản văn hóa (di tích, di sản văn hóa phi vật thể…) và các quy định pháp luật khác; tổ chức xin ý kiến Nhân dân, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó cần lưu ý, xem xét đến các vấn đề liên quan gắn với diễn trình lịch sử, các giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá cội nguồn của mỗi địa phương, vùng, miền trong quá trình hình thành và phát triển làng. Việc triển khai cần xin ý kiến rộng rãi trong Nhân dân để tạo sự đồng thuận khi báo cáo, đề xuất.
Liệu việc sáp nhập làng, xã sẽ đặt ra những thách thức mới trong việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống tại mỗi địa phương? Các cơ quan quản lý văn hóa cần làm gì trước tình hình mới, nhằm góp phần sớm ổn định đời sống cho người dân?
Bộ VHTTDL: Rất nhiều cuốn sách nghiên cứu, viết về các địa danh, tên làng, xã như: "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19", "Đồng Khánh địa dư chí", "Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ"... Vì vậy, khi đặt tên mới cho các xã được sáp nhập, cần tham khảo nguồn tên từ các sách này.
Chúng tôi cũng rất mong muốn được sự chung tay vào cuộc của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, di sản, đặc biệt là ý kiến của các cơ quan báo chí nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, những vấn đề thực tiễn, giới thiệu các "mô hình hay, cách làm sáng tạo" trong nước và quốc tế để từng địa phương tham khảo, vận dụng. Ví dụ ở Pháp, nơi có nhiều tên gọi đã đi vào lịch sử và không thể đổi tên, sau này người ta đã tách bạch khái niệm "địa danh" và "đơn vị hành chính". Địa danh không bao giờ thay đổi, nhưng đơn vị hành chính hay vùng hành chính thì có thể thay đổi. Quá trình triển khai cần tổ chức hội nghị, hội thảo… xin ý kiến góp ý, tư vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng và đông đảo các tầng lớp nhân dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Song song với đó, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về vấn đề này để nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi sự thay đổi bao giờ cũng sẽ có nhiều trăn trở, băn khoăn, lo lắng, tuy nhiên nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền thì người dân sẽ đồng lòng ủng hộ với tinh thần "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, dọc ngang thông suốt" tất cả vì mục tiêu chung nhất là tạo không gian mới, diện mạo mới cho từng làng quê, thôn xóm, bản làng… có điều kiện phát triển tốt hơn, chúng tôi tin tưởng nhân dân sẽ nhất định ủng hộ.
Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của nhân dân. Vì vậy việc đặt tên mới cần làm rất thận trọng, bài bản, không nóng vội, không chủ quan duy ý chí, áp đặt. Trong đó, đặc biệt phải đảm bảo những yếu tố lịch sử, văn hóa cũng như coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân, nhất là những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, lịch sử để có thể định ra những cái tên phù hợp, giữ lại những địa danh, tên gọi đã gắn bó với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của làng, xã; gắn với bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, với cốt cách con người mỗi vùng quê.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Không có nhận xét nào