Phim chiếu mạng chờ đề kháng người xem, sẽ tháo nút thắt phát hành phim Nhà nước
Trong báo cáo công tác văn học, nghệ thuật quý 1-2024 của Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây, Vụ Văn hóa - Văn nghệ đã đưa ra cảnh báo về tình trạng những video được gắn mác "phim ngắn" đang tràn lan trên mạng.
Các video này khai thác những chủ đề gây sốc, nội dung nhảm nhí, phản cảm "ẩn chứa mối họa gây ảnh hưởng xấu cho khán giả, nhất là giới trẻ" để thu hút lượng tương tác.
Thực tế này không phải chưa được cơ quan chức năng quản lý về điện ảnh nhìn ra nhưng giải quyết lại không dễ. Giải pháp cuối cùng vẫn là "sống chung với lũ", khán giả phải tự cứu mình để không chết chìm trong biển mênh mông cả rác lẫn hoa thơm trái ngọt trên mạng.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1-2024 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 11-4, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ nỗi khó khăn trong việc quản lý phim chiếu mạng hiện nay và kêu gọi "sức đề kháng" của khán giả.
10 cán bộ kiểm tra "biển" phim mạng
Khi Luật Điện ảnh sửa đổi ra đời năm 2022, phim chiếu mạng đã chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
Điều này vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới vừa phù hợp với thực tế là không thể có nhân lực nhà nước để tiền kiểm khối lượng phim chiếu mạng khổng lồ được đưa liên tục lên mạng.
Ông Vi Kiến Thành cho biết với hình thức quản lý hậu kiểm, các nhà phát hành phim trên mạng phải chịu trách nhiệm phân loại thể loại phim, phân loại và hiển thị độ tuổi để cảnh báo người xem.
Cơ quan nhà nước hậu kiểm chứ không tiền kiểm, không cấp giấy phép trước cho những phim chiếu trên mạng như phim chiếu rạp.
Để việc hậu kiểm đạt hiệu quả thì phải trông chờ rất lớn vào cộng đồng.
Hiện nay Cục Điện ảnh chỉ có 10 cán bộ làm kiêm nhiệm công việc kiểm tra các phim chiếu mạng chứ không có cán bộ chuyên trách cho việc này.
10 cán bộ này được chia hai ca sáng và chiều, thay nhau xem để kiểm tra phim chiếu trên mạng. Số lượng phim rất lớn. Cán bộ ở cục một ngày chỉ xem được khoảng 5 - 10 phim, không thể kiểm tra được hết phim chiếu trên mạng.
Trước thực tế này, vừa qua Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế thưởng cho những người phát hiện phim sai phạm trên mạng báo về cho Cục Điện ảnh.
Ai báo tin chính xác được thưởng 200.000 đồng kèm giấy chứng nhận đã phát hiện phim chiếu trên mạng vi phạm pháp luật và báo cho cơ quan quản lý.
Quy chế này đã trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhưng không được chấp thuận để ban hành.
Vì vậy, ông Thành nói người xem "phải tự có sức đề kháng, phải chú ý đến hiển thị phân loại phim để quyết định xem hay không". Tình cảnh cũng tương tự với mọi loại nội dung trên mạng, không chỉ phim.
Các chuyên gia cũng nhiều lần lên tiếng về giải pháp. Đó là, ngoài các giải pháp về quản lý của cơ quan chức năng, về xây dựng hành lang pháp luật hiệu quả, điều quan trọng là phải xây dựng được những công dân số có hiểu biết trước khi "bơi" trong không gian mạng, phải tự trang bị "sức đề kháng" tốt với cái xấu.
Sẽ tháo nút thắt phát hành phim nhà nước
Một câu chuyện khác liên quan tới phim ảnh cũng được ông Vi Kiến Thành chia sẻ khi trả lời Tuổi Trẻ. Đó là câu chuyện lối ra với khán giả cho phim nhà nước đặt hàng. Câu chuyện một lần nữa được đặt ra khi Đào, phở và piano vừa trở thành "hiện tượng phòng vé" với dòng phim này.
Ông Thành cho biết những năm qua Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí đặt hàng sản xuất phim, chưa bao giờ có kinh phí tuyên truyền, phát hành phổ biến phim.
Trước đây, Fafim Việt Nam (doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam) chịu trách nhiệm phát hành phim nhà nước đặt hàng.
Nhưng sau cổ phần hóa, Fafilm Việt Nam thành Công ty cổ phần Fafilm Việt Nam, gần như tê liệt, không hoạt động. Nên những bộ phim nhà nước đặt hàng không có đơn vị nào đứng ra phát hành tới khán giả.
Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim. Vừa rồi cục có phát hành phim Đào, phở và piano, phim Hồng Hà nữ sĩ và sáu bộ phim hoạt hình là vì có quyết định 316 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra phát hành phim nhà nước còn gặp khó vì không có quy định nào cho việc này, không có quy định về tỉ lệ phân chia doanh thu giữa nhà phát hành và nhà rạp.
Cục Điện ảnh đã phải trao đổi, thương lượng với một số đơn vị chiếu phim để họ chấp nhận chiếu Đào, phở và piano hoàn toàn miễn phí, toàn bộ tiền bán vé phải nộp về cho ngân sách nhà nước.
Sau "hiện tượng" Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh đang đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định về phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, cục đề xuất giao Trung tâm chiếu phim quốc gia - đơn vị sự nghiệp công lập - sẽ làm nhiệm vụ phát hành phim nhà nước đặt hàng.
Ông Thành nói nhanh nhất cuối năm nay có thể ban hành nghị định này. Hiện đề xuất đã được trình lên lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhưng bộ chưa có ý kiến về việc này.
"Phim nhà nước đặt hàng cũng phải hướng đến có doanh thu", ông Thành nói về việc cần thiết phải có nghị định về phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Ông cho biết những năm trước, việc Nhà nước đặt hàng sản xuất phim bập bõm, năm có năm không.
Nhưng từ năm 2020 đến nay thì nguồn kinh phí cho phim nhà nước đặt hàng tương đối đều đặn tuy không nhiều. Mỗi năm Nhà nước đặt hàng hai phim truyện và khoảng 20 phim tài liệu khoa học, 16 - 17 phim hoạt hình với tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng.
Phim nhà nước không "cất kho"
Về "định kiến" phim nhà nước lâu nay chỉ "cất kho", ông Vi Kiến Thành "kêu oan". Ông khẳng định các phim này "không cất kho" mà được chiếu khắp cả nước trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
"Nhà nước không có tiền mua bản quyền các phim của tư nhân làm để chiếu cho nhân dân xem. Chỉ có mỗi nguồn phim nhà nước đặt hàng để mang đi chiếu miễn phí cho bà con khắp các tỉnh thành trong các dịp kỷ niệm hay chiếu cho bà con ở các vùng biên giới, hải đảo", ông Thành nói.
Không có nhận xét nào