Breaking News

Đây là cách người Hà Nhì ở Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Clip: Người Hà Nhì ở huyện Mường Tè, Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Hà Nhì vùng biên giới Lai Châu

Người Hà Nhì hoa ở Lai Châu có nền văn hoá truyền thống lâu đời với những lời ca, điệu múa mang tính tập thể như: Trường ca xa nhà ca, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa xòe… Những làn điệu này phản ánh đời sống sinh hoạt phong phú của đồng bào.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của những dòng nhạc hiện đại, nhưng người Hà Nhì hoa ở huyện Mường Tè, Lai Châu vẫn có những cách riêng để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thông qua các câu lạc bộ dân ca dân vũ cộng đồng ở các bản làng của người Hà Nhì.

Đây là cách người Hà Nhì ở Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc- Ảnh 1.

Những lời ca, điệu múa mang tính tập thể như: trường ca xa nhà ca, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa xòe vẫn được người Hà Nhì ở huyện Mường Tè lưu giữ và phát huy. Ảnh: Tuấn Hùng

Nhiều du khách khi đến với những bản người Hà Nhì ở Mường Tè đều có chung nhận xét: Tiếng hát của người Hà Nhì nơi thượng nguồn con Sông Đà trong trẻo như âm vang của núi rừng, vừa chan chứa một năng lượng sống mãnh liệt như con sông Đà không bao giờ hết nước.

Không ai biết những lời ca đó có từ bao giờ. Những người già cũng không biết những giai điệu đó do ai sáng tác. Những tiếng hát đó vẫn cất lên dù ở trên nương hay trong dịp lễ hội từ nhiều đời nay. Đến nay, trong những câu lạc bộ dân ca dân vũ  hay trong cộng đồng người Hà Nhì, đồng bào luôn cao ý thức gìn giữ những nét văn hoá của dân tộc mình.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Chu Nhù Pư, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho hay: "Tự hào một người Hà Nhì, tôi luôn truyền đạt cho người Hà Nhì giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, giữ những làn điệu truyền thống và điệu múa, điệu xòe của người Hà Nhì.

Đây là cách người Hà Nhì ở Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc- Ảnh 2.

Người Hà Nhì hát, múa cả khi đi nương, làm rẫy. Ảnh: Tuấn Hùng

Dân ca của người Hà Nhì thường gắn liền với những điệu múa truyền thống, múa lên nương, múa nón, múa xoè. Dù cuộc sống vất vả với nương đồi, nhưng đời sống tinh thần của người Hà Nhì rất phong phú. Những câu lạc bộ dân ca dân vũ của người Hà Nhì hoạt động luôn lấy bảo tồn văn hoá gắn với phát triển làm mục tiêu, lấy cộng đồng là chủ thể. Đây cũng là nơi để đồng bào cùng nhau ôn lại, sưu tầm và gìn giữ, góp phần nâng cao đời sống văn hoá bản địa và có tính kế thừa đối với thế hệ trẻ".

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người Hà Nhì nơi biên giới

Anh Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hoá, Chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca dân vũ xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu chia sẻ: "Chúng tôi tuyên truyền đến các bản, các đội văn nghệ thường xuyên duy trì, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc nói chung, trong đó có dân ca dân vũ của dân tộc Hà Nhì. Những điệu xòe, điệu múa rất quan trọng, phản ánh đời sống sinh hoạt của bà con người Hà Nhì. Đến nay, trên địa bàn xã có 8/8 bản có đội văn nghệ duy trì thường xuyên hoạt động văn nghệ trong những dịp lễ, tết; bà con nhân dân cũng rất đồng tình ủng hộ để duy trì và bảo tồn bản sắc dân tộc trên địa bàn xã Ka Lăng".

Đây là cách người Hà Nhì ở Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc- Ảnh 3.

Đời sống văn hóa của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè, Lai Châu rất phong phú, họ hát và dạy nhau cách lưu giữ bản sắc của dân tộc. Ảnh: Tuấn Hùng

Thực tế, hiện nay các bản ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu đều có từ 1 đến 2 đội văn nghệ, theo độ tuổi nên việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc Hà Nhì đang được duy trì tốt. Cứ mỗi dịp lễ, tết người Hà Nhì nơi đây lại luyện tập, múa hát vang vọng khắp núi rừng.

Đây là cách người Hà Nhì ở Lai Châu lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc- Ảnh 4.

Người Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) hát cả khi thêu thùa, may vá. Ảnh: Tuấn Hùng

Việc bảo tồn dân ca dân vũ ở Mường Tè góp phần tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt là thanh niên, lớp trẻ. Các hoạt động văn hoá văn nghệ đa dạng tạo điều kiện cho cộng đồng được trực tiếp vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình; nâng cao chất lượng văn hoá văn nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà.

Không có nhận xét nào