Cặp vợ chồng hiếm hoi cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên
Nghệ sĩ Nhân dân, nhà thơ, nhà biên kịch Thế Lữ: Người sáng lập ra nền Kịch nói tại Việt Nam
Nghệ sĩ Nhân dân Thế Lữ được coi là người sáng lập ra nền Kịch nói tại Việt Nam, cũng như đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta từ nghiệp dư trở thành chuyên nghiệp.
Thế Lữ tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội); quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ.
Sau khi anh trai mất, Thế Lữ quay trở về Hải Phòng ở với mẹ. Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tuy vậy chỉ theo học một năm. Nhờ học ở mái trường này, ông chơi thân với những người bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn... Họ tổ chức một nhóm, chuyên thảo luận về văn học.
Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, các tác phẩm đầu tay được gửi tới Nhà xuất bản Tân Dân, ký bút danh "Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ" nhằm thu hút sự chú ý.
Tháng 3/1934, Tự Lực văn đoàn chính thức ra đời với 6 thành viên ban đầu: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ. Cũng từ đó, gần 10 năm, hoạt động văn học và báo chí của Thế Lữ gắn bó chặt chẽ với Tự Lực văn đoàn, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học.
Kể từ 1937, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu kịch nói. Ông tìm đọc nhiều sách báo viết về nghệ thuật sân khấu bằng tiếng Pháp, muốn lấy đây làm đích để vươn lên cho sân khấu Việt Nam. Năm 1935, ông cùng với Lan Sơn, Lê Đại Thanh thành lập một nhóm kịch ở Hải Phòng, đương thời được gọi là nhóm kịch Thế Lữ, chủ yếu diễn các vở của Vi Huyền Đắc.
Năm 1936, một nhóm các văn nghệ sĩ bao gồm Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh, Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Đình Liên... thành lập một ban kịch lấy tên Tinh hoa, với mục đích "khởi sắc kịch Việt Nam khả dĩ không thua kém kịch trường Pháp". Nhóm kịch có báo Tinh hoa làm cơ quan ngôn luận. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, một ban kịch nghiệp dư ra đời với mục đích phụng sự nghệ thuật. Thế Lữ là đạo diễn kiêm diễn viên và người tổ chức của ban kịch.
Được một thời gian, báo Tinh hoa đình bản và ban kịch cũng ngừng hoạt động. Thế Lữ quay trở về Hải Phòng, tiếp tục gây dựng nhóm kịch Thế Lữ. Bên cạnh các thành viên cũ, còn có thêm các diễn viên mới như: Lê Thương, Linh Tâm, Huyền Thanh, Thanh Hương, Lan Bình, Song Kim, Minh Trâm... Nhóm kịch đã cho ra mắt một số vở diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng.
Sau năm 1945, Thế Lữ nhiệt tình tham gia các hoạt động cách mạng. Khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức (24/11/1946), ông đã viết bản báo cáo Sân khấu Việt Nam và kế hoạch xây dựng nền tân kịch để đọc trước hội nghị. Trong bản báo cáo này, ông nêu lên sự quan trọng, cần thiết của việc xây dựng nền tân kịch (kịch nói), đồng thời đề ra một kế hoạch tỉ mỉ về tất cả các mặt diễn viên, tổ chức, sáng tác, nghiên cứu và tuyên truyền nghệ thuật kịch nói.
Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc (năm 1948) thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Thế Lữ được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban chấp hành của Hội, kiêm trưởng Đoàn Sân khấu Việt Nam. Mùa hè năm 1948, nhân dịp Quân khu 10 tổ chức Đại hội tập huấn ở Vĩnh Trân, ông dàn dựng vở kịch Đề Thám xuất quân, được Thế Lữ viết lại từ vở Đề Thám của Lưu Quang Thuận theo sự gợi ý của Thanh Tịnh. Đây là một vở diễn lớn được tổ chức ngoài trời, với hơn 150 diễn viên huy động từ lực lượng quân nhân, quần chúng ở quân khu, tái hiện lại cảnh lễ ra quân của Hoàng Hoa Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Năm 1949, với phong trào văn nghệ đầu quân tham gia bộ đội, Đoàn Sân khấu Việt Nam chuyển thành Đoàn kịch Chiến Thắng. Thế Lữ, Song Kim cùng các nghệ sĩ trong đoàn đi theo các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, đi biểu diễn nhiều nơi tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên... Ông tham gia đóng và dàn dựng hầu hết các vở của đoàn như: Đợi chờ, Giác ngộ, Anh Sơ đầu quân, Vết cũ, Vợ người thương binh, Ba người thợ... Tác giả của nhiều vở trong số này là Nguyễn Huy Tưởng.
Năm 1952, Thế Lữ làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Thời gian này, ông cũng đi vào tìm hiểu về chèo, trực tiếp tham gia đóng và dàn dựng một số vở chèo.
Sau hiệp định Genève, hòa bình lập lại, Thế Lữ cùng các văn nghệ sĩ kháng chiến trở về Hà Nội. Ông tiếp tục hoạt động sân khấu, tham gia Đoàn Kịch nói Trung ương, tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1955, ông là Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Thế Lữ còn là chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương đi biểu diễn tại các nước Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc.
Với những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà, Thế Lữ luôn được coi là một người nghệ sĩ tiên phong. Không chỉ là người có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới, ông còn là người đầu tiên đưa hoạt động biểu diễn kịch nói ở nước ta trở nên dần chuyên nghiệp. Với những đóng góp này, nhà thơ, nhà biên kịch Thế Lữ đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984. Năm 2000, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Song Kim - người vợ thứ hai của ông, một trong những diễn viên tiêu biểu của sân khấu kịch nói Việt Nam thời kỳ đầu cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cùng với chồng.
Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim - nữ nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý cùng đợt đầu tiên với chồng
Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim là một trong những gương mặt sáng giá của một thời kịch nói Việt Nam. Bà sống gần trọn một thế kỷ, lặng lẽ và khiêm nhường.
NSND Song Kim tên thật là Phạm Thị Nghĩa. Từ thuở ấu thơ, Song Kim đã đam mê sân khấu mặc cho thân phụ của bà luôn dạy rằng: "Con gái không được đi xem Tuồng Chèo nhiều" nên bà phải đi xem lén hoặc nghe các anh chị trong nhà đi xem về kể lại các tích tuồng.
Với những định kiến của gia đình và xã hội ngày đó, NSND Song Kim chỉ dám đến với sân khấu bằng cách nhận việc đi bán vé cho những buổi trình diễn kịch từ thiện chỉ cốt để sao đến gần được với sân khấu.
Sau bao lần "lỡ duyên" với sân khấu, vào một buổi tối, đạo diễn, nhà thơ Thế Lữ cho người từ Hải Phòng lên Hà Nội để mời bà xuống đóng một vai kịch, đó là vai cô Mão trong vở Gái không chồng của Đoàn Phú Tứ.
Về mối tình với nhà thơ Thế Lữ, NSND Song Kim từng kể: "Hồi đó, ông là nhà thơ của nhóm Tự Lực Văn đoàn, cùng làm tờ báo Tinh hoa với nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Một lần, tôi đi xem vở Ghen do ông Đoàn Phú Tứ viết kịch bản, tôi quen ông Lữ trong buổi ra mắt vở kịch này vào năm 1936".
Sau khi biết cô gái Phạm Thị Nghĩa, nhà thơ Thế Lữ mời bà vào vai cô Mão trong vở Gái không chồng. Cũng từ vai diễn này, nhà thơ Thế Lữ tin ở khả năng diễn xuất của bà. Từ đó, ông liên tục mời bà đóng các vở kịch do ông làm đạo diễn. Hai người "tình trong như đã" và nên duyên mấy năm sau đó kể từ ngày gặp nhau.
Một điều rất đáng khâm phục đối với NSND Song Kim mà những người làm nghề và công chúng yêu sân khấu khi nghĩ tới bà và mong muốn các thế hệ mai sau gắng học hỏi từ bà đó là lòng say mê sáng tạo và phương pháp sáng tạo các vai diễn của bà. Cả cuộc đời, bà đã đóng trên 30 vai kịch lớn nhỏ nhưng mỗi vai mỗi khác và trong mỗi vai kịch đều thấy rõ sự làm việc kỳ công và chi chút.
Các vai kịch bà tham gia thể hiện đều rất khác biệt về đời sống, thân phận và tính cách. Đó là cô Mão trong vở Gái không chồng của Đoàn Phú Tứ, Cụ Phán Bà trong vở Ông Kí Cóp của Vi Huyền Đắc, Loan trong vở Đoạn tuyệt của Khái Hưng, nữ tu sĩ trong vở Cụ Đạo sư ông, cô Natachi trong vở Hàng ngũ hòa bình của tác giả Liên xô A.Phuskin, mẹ Nguyên trong vở Quê hương của Xuân Trìnih, Vú nhè trong vở Cái lọ vàng do Mai Phương phóng tác theo tác phẩm “Lão hà tiện” của Moliere do Thế Lữ đạo diễn và vai Cụ Đại Lợi, hài kịch của Lộng Chương do Trần Hoạt đạo diễn.
Bên cạnh những người mẹ, những cô gái với nhiều dạng khác nhau của xã hội: Khi là bà mế vùng cao, lúc là bà mẹ vùng địch hậu, bà mẹ Nga đôn hậu… NSND Song Kim còn làm công chúng cũng như giới sân khấu ngỡ ngàng và khâm phục trước vai diễn Cụ Đại Lợi trong vở Quẫn của Lộng Chương do Trần Hoạt đạo diễn.
Ngày Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức để chia tay bà về nghỉ hưu, bà nghẹn ngào đọc hai câu thơ: "Kiếp sau nếu được làm người/ Tôi xin trở lại cuộc đời diễn viên".
Không có nhận xét nào