Nghệ sĩ Nhân dân lừng danh và cuộc hôn nhân kín tiếng bên nữ nghệ sĩ múa xinh đẹp
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ và ký ức những ngày làm việc ở mỏ than Cọc Sáu
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quang Thọ sinh năm 1948 tại Hạ Long (Quảng Ninh) trong một gia đình đông con. Năm lên 4 tuổi, gia đình ông chuyển đến sống tại Cẩm Phả.
Là anh cả trong gia đình, sau khi vừa học hết lớp 8 (hệ 10 năm), NSND Quang Thọ đã nghỉ học để đi làm, cùng bố mẹ gánh vác gia đình, nuôi các em khôn lớn. Ông thậm chí phải khai tăng 2 tuổi để đủ điều kiện làm công nhân, xin việc tại phòng cơ điện của mỏ than Cọc Sáu.
Trong chương trình "Ký ức vui vẻ", NSND Quang Thọ từng chia sẻ về những ngày tháng tuổi trẻ: "Trong cuộc đời của tôi cũng có vài năm gắn bó với những người thợ lò. Tôi không chính thức là người thợ lò nhưng tôi đã từng chui vào những cái lò họng sáo - nơi chỉ 2-3 người chui lọt để hát.
Bây giờ mà xuống hầm mỏ vẫn khó thở đấy nhưng đỡ hơn ngày trước rất nhiều. Xưa ở hầm mỏ không có thông gió như giờ, công nhân xuống hầm lò là thở bằng không khí lưu thông từ cửa lò vào trong", ông nhớ lại.
NSND Quang Thọ cũng cho biết, ông nhớ như in lần hát đầu tiên hát trong vùng mỏ: "Đó là vào lúc 17h ngày 5/8/1964, khi đó tôi mới 16 tuổi đang trong đội văn nghệ của mỏ được đến để phục vụ các đồng chí tự vệ trên mỏ. Đang hát thì có còi báo động nên tất cả phải nhảy xuống giao thông hào. Tôi vẫn nhìn lên bầu trời, có tiếng rít của máy bay, có chiếc bay rất thấp... Sau đó, Hội nhạc sĩ về Quảng Ninh sáng tác cho công nhân mỏ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có sáng tác "Bài ca công nhân vùng mỏ"; nhạc sĩ Hoàng Vân đã chui vào lò viết bài "Tôi là người thợ lò"; "Điện Biên vùng mỏ" của Trọng Bằng; "Những ngôi sao ca đêm" của Phạm Tuyên...".
Trong tâm trí ông, những năm làm công nhân là ký ức đẹp đi theo cả cuộc đời. Sau này, dù đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, NSND Quang thọ vẫn luôn tri ân những ngày tháng nhiều vất vả nhưng đầy tự hào đó.
Sau những năm hoạt động văn nghệ tích cực, ông được cử đi đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp, Quang Thọ trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam. Ông ghi dấu ấn với loạt ca khúc nổi tiếng như: "Sông Lô", "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" của nhạc sĩ Chu Minh, "Hà nội niềm tin và hy vọng", "Sơn nữ ca", "Lá đỏ", "Hướng về Hà Nội", "Tình ca", "Tâm tình người thuỷ thủ"...
Với tài năng và sự cống hiến không ngừng nghỉ, NSND Quang Thọ được ghi nhận bằng các Huy chương Vàng trong các hội diễn toàn quốc nhiều năm, với 3 giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế, Quang Thọ đã vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2001. NSND Quang Thọ là Chủ nhiệm Khoa thanh nhạc – Nhạc viện Hà Nội từ năm 2000 đến năm 2008. Nhiều ca sĩ gạo cội của dòng nhạc đỏ trước và nay được ông rèn dạy trực tiếp hay gián tiếp như Đức Long, Hoàng Tùng, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Khánh Linh, Anh Thơ, Tân Nhàn…
Cuộc hôn nhân kín tiếng bên người vợ từng là nghệ sĩ múa
NSND Quang Thọ có cuộc sống hôn nhân bình yên bên bà xã Ngọc Thanh, hai người con của ông đều nối nghiệp cha. Được biết, bà Ngọc Thanh từng là một diễn viên múa của Câu lạc bộ Thành đoàn, sở hữu nhan sắc xinh đẹp, dịu dàng.
Trong chương trình Khách sạn 5 sao của VTV, vợ chồng NSND Quang Thọ thổ lộ có hai người con trai vào đúng thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn, đời sống kinh tế của gia đình nghệ sĩ cũng không nằm ngoài bối cảnh chung ấy. Ông đi biểu diễn ở nhiều nơi, từ nhà hát đến các tụ điểm. Còn bà Ngọc Thanh cũng vừa làm công việc ở cơ quan vừa trông con, làm thêm nghề dệt.
"Tôi quyết tâm chăm chút cho chồng con, bởi với người phụ nữ, họ quan niệm sự thành công của chồng, của con chính là sự thành công của mình", cô Ngọc Thanh bộc bạch.
Dù các con không quá nổi tiếng nhưng NSND Quang Thọ từng chia sẻ, ông không đặt nặng việc các con hay học sinh phải thành danh bởi điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn. "Điều quan trọng là nghệ sĩ phải có kiến thức, tinh thần học hỏi và tình yêu ca hát, như vậy, bạn mới có thể sống với nghề và tỏa sáng", ông bày tỏ.
Không có nhận xét nào